Mở rộng hành lang pháp lý chống tham nhũng

Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 24/03/2018

(HNM) - Theo kế hoạch, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ năm tới đây với nhiều quy định đột phá...

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: TTXVN


Mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập

Những biệt thự của một số cán bộ có chức, có quyền; không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng; một loạt cán bộ bị đưa ra xét xử với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"... là những vấn đề dư luận quan tâm hiện nay. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri Thủ đô gần đây có những câu hỏi đặt ra với các đại biểu như: Tại sao những tài sản bất minh thường chỉ bị phát hiện sau khi những vụ án tham ô hay làm trái quy định quản lý kinh tế của Nhà nước bị phát giác và việc thu hồi tài sản rất khó? Điển hình như trường hợp Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) phải thi hành án hơn 600 tỷ đồng, trong khi tài sản bảo đảm chỉ có 5 tỷ đồng. Trường hợp thứ hai là Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phải bồi thường gần 110 tỷ đồng do phạm hai tội "Tham ô" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", song đến nay chỉ thu hồi được hơn 21 tỷ đồng. Khoản còn lại hơn 88 tỷ đồng, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội xác định, Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác nên đã phải ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Để khắc phục vấn đề này, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới nhất mở rộng phạm vi đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X): Tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản. Điều 59 về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý có hai đề xuất: Xử lý tài sản, thu nhập thông qua việc thu thuế và xử lý vi phạm hành chính về thuế (nếu có) hoặc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý.

Về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập, Ban soạn thảo đề xuất hai phương án. Phương án 1: Quy định cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản thu nhập “bán tập trung” theo hệ thống các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Phương án 2, tập trung đầu mối vào hệ thống các cơ quan thanh tra nhà nước, đơn vị phụ trách công tác cán bộ tại một số nơi không có cơ quan thanh tra.

Cần chế tài cụ thể hơn

Cho rằng Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong xác minh tài sản, thu nhập, nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành quy định giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập. Nếu đề xuất này được thông qua, hơn 1/3 công việc của Thanh tra Chính phủ sẽ dành cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tạo ra sự biến đổi trong tổ chức hoạt động của toàn lực lượng. Phần thanh tra kinh tế - xã hội hiện nay đang chiếm một nửa công chức ngành Thanh tra sẽ phải giảm đi. Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra bộ, ngành chỉ thanh tra các vụ việc quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ thấy cần thiết phải làm rõ.

Về Điều 59 còn nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến thuộc nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nhận định, luật định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp. Tài sản, thu nhập không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp; tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc; tài sản, thu nhập có kê khai nhưng không lý giải được… cần cách xử lý khác nhau. Bên cạnh đó, nên bổ sung quy định về giá trị tối thiểu của tài sản không trung thực sẽ bị xử lý để bảo đảm tính phù hợp trong thực hiện.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, dù còn có những nội dung cần tổng kết, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, nhưng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã có điểm đột phá. Vấn đề cốt lõi là giải pháp phòng ngừa xử lý tài sản bất minh mới đối với cán bộ tha hóa rất nên xem xét. Để giải quyết triệt để hơn, về lâu dài nên cân nhắc bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội kê khai tài sản không trung thực để có cơ sở răn đe những cán bộ có hành vi che giấu để thăng quan, tiến chức, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, tiềm lực của đất nước. Có như vậy, “cửa” chống tham nhũng sẽ rộng hơn, bảo đảm “khó để chìm xuồng” khi xử lý tham nhũng.

Hà Phong