Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Pháp
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:31, 25/03/2018
Đây là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi Pháp có Tổng thống mới và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tây Âu trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Chuyến thăm càng có ý nghĩa đặc biệt khi năm 2018 hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược.
Phiên họp lần thứ 5 Đối thoại Cấp cao thường niên về Kinh tế Việt Nam - Pháp năm 2018. |
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào thời điểm tình hình hai nước có nhiều triển vọng rất tích cực. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm, Việt Nam là quốc gia phát triển năng động và dần trở thành một cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại nhiều tổ chức, diễn đàn, cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), ASEAN, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF)... Sự ổn định chính trị và các thành tựu to lớn về đối ngoại của Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận, nổi bật là việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và những đóng góp quan trọng thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp vị thế của Việt Nam được nâng tầm đáng kể.
Trong khi đó, sau cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội năm 2017, cục diện chính trị ở Pháp có nhiều thay đổi với việc đảng Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Emmanuel Macron trở thành chính đảng lớn nhất trên chính trường. Chính quyền mới đang tập trung cải cách kinh tế - xã hội, đồng thời thể hiện vai trò nòng cốt trong Liên minh Châu Âu (EU), tích cực hơn trong các vấn đề toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu, thúc đẩy thương mại tự do, tăng cường ảnh hưởng ở một số khu vực khác như Trung Đông, Đông Á. Kinh tế Pháp năm 2017 đã có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng 1,9% - cao nhất từ năm 2011...
Trong bối cảnh quan hệ thương mại Việt Nam - EU bước vào thời kỳ then chốt, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy hai nước Việt Nam - Pháp đề cao mối quan hệ song phương lâu đời, với các hoạt động hợp tác sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Pháp là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Tây Âu, với kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều năm 2017 đạt 4,62 tỷ USD. Pháp cũng là nhà tài trợ ODA hàng đầu Châu Âu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước Châu Á hưởng ODA của Pháp. Các nhà đầu tư Pháp đã "đổ" vào thị trường Việt Nam gần 3 tỷ USD trong hơn 500 dự án đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh, lớn nhất là lĩnh vực viễn thông, cảng biển và sản xuất điện. Song, con số này chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác song phương khi Pháp chỉ đứng thứ 16 trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hợp tác giáo dục và đào tạo, tiếp đến là hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Pháp được hình thành ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX. Hằng năm, Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện nay là trên 300.000 người, trong đó có 7.000 học sinh, sinh viên. Chính phủ Pháp cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có chương trình đào tạo bác sĩ nội trú tại các bệnh viện của Pháp. Quan hệ giao lưu, hợp tác đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, như du lịch, tư pháp, hành chính, hải quan, cũng như quan hệ giữa các địa phương. Hai nước cũng duy trì đối thoại trên nhiều lĩnh vực như chính sách quốc phòng, kinh tế...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định: “Quan hệ Việt Nam - Pháp mang những chuẩn mực đặc biệt giữa hai dân tộc từng có mối liên hệ sâu sắc trong lịch sử; nhất là giữa một nước công nghiệp phát triển hàng đầu ở Châu Âu với một đất nước đang phát triển năng động, tích cực hội nhập quốc tế ở Châu Á”. Những kế hoạch hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương cho thấy quan hệ Việt Nam và Pháp chứa đựng nhiều tiềm năng, triển vọng tích cực. Với dư địa hợp tác còn nhiều, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điểm nhấn của quan hệ song phương, được kỳ vọng sẽ tạo động lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược, xứng tầm với vai trò của Pháp tại Châu Âu cùng vị trí quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia và hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.