Phép thử không chỉ với Facebook

Công nghệ - Ngày đăng : 06:37, 26/03/2018

(HNM) - Kể từ khi ra đời cho tới lúc trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook có lẽ chưa từng trải qua khó khăn nào như những ngày qua.

Mark Zuckerberg giải thích Facebook cũng phạm sai lầm trong vụ bê bối - Ảnh: Reuters


Sóng gió bắt đầu khi hàng loạt tờ báo lớn đồng loạt đưa tin Cambridge Analytica, công ty phân tích dữ liệu chính trị do cựu chiến lược gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông Steve Bannon thành lập và Công ty Strategic Communications Laboratories (SCL) đã tiếp cận và sở hữu trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng. Đây là hệ quả của việc giáo sư Aleksandr Kogan (Trường Đại học Cambridge, Anh) tạo ra một nội dung thăm dò trực tuyến. Cuộc thăm dò dù chỉ thu hút 270.000 người tham gia, nhưng gián tiếp cho phép tiếp cận dữ liệu của 50 triệu tài khoản khác, trong đó có thông tin cá nhân, sở thích, danh sách bạn bè Facebook… Số thông tin này sau đó được ông Kogan bán lại cho Cambridge Analytica.

Hàng loạt các điều tra mở rộng sau đó cho thấy, chính sách khai thác thông tin của Facebook dường như có những kẽ hở, khiến dữ liệu của hàng triệu người dùng bị thâu tóm và sử dụng mà không gặp trở ngại lớn nào. Các nguồn tin cũng dẫn nhiều bằng chứng cho thấy, Cambridge Analytica đã sử dụng dữ liệu thu được để xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng và thậm chí cả bạn bè họ mà không thông báo trước. Với các kết quả thu về, công ty này và các đối tác đã tận dụng để chiếm ưu thế chi phối các cuộc trưng cầu ý kiến.

Sau gần một tuần im lặng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã phát biểu chính thức trên trang cá nhân. Bên cạnh việc thừa nhận sai lầm, tỷ phú này cũng khẳng định Facebook có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người dùng và sẵn sàng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ nếu cần thiết. Cũng theo Zuckerberg, Facebook sẽ kiểm tra toàn bộ các ứng dụng có khả năng truy cập lượng lớn thông tin và sẽ loại trừ các nhà phát triển bất hợp tác. Mặc dù vậy, dẫn chứng những nỗ lực không mấy hiệu quả trong việc xử lý các nội dung tin tức giả mạo, giới chuyên môn cho rằng, việc Facebook có mạnh tay xử lý như tuyên bố không là điều chưa thể khẳng định.

Về phần mình, Cambridge Analytica cũng hứng chịu nhiều chỉ trích và áp lực. Giám đốc Điều hành Alexander Nix đã bị cách chức, còn Văn phòng London bị giới chức Anh khám xét, mở đầu cho cuộc điều tra quy mô lớn nhằm vào hoạt động sử dụng thông tin cá nhân và các số liệu phân tích phục vụ mục đích chính trị.

Sự kiện trên đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía người sử dụng, đồng thời đặt Facebook trước vô số rắc rối về pháp lý. Những thách thức này đã tạo "một phép thử chưa từng có” với mạng xã hội được ưa chuộng này. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề đáng báo động là những hành vi của Cambridge Analytica không vi phạm chính sách hiện tại của Facebook. Thực tế này dẫn tới tâm lý e dè của nhiều người trong việc sử dụng và chia sẻ thông tin trên Facebook. Đây là điều hết sức đáng ngại với Facebook, vì số lượng người dùng đang có dấu hiệu suy giảm. Thêm vào đó, từ khi bê bối xảy ra, cổ phiếu Facebook cũng liên tục tụt dốc và chạm đáy 160 USD/đơn vị vào ngày 23-3, thấp nhất kể từ tháng 7-2012. Một số công ty quảng cáo lớn cũng rút nội dung, trong khi trào lưu “tẩy chay” Facebook và xóa tài khoản bất ngờ nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật tiếng tăm, mà nổi bật là tỷ phú người Mỹ Elon Musk.

Vụ bê bối rò rỉ thông tin đã nêu lên vấn đề hết sức nhạy cảm trong cách kinh doanh khai thác dữ liệu người dùng không chỉ của riêng Facebook mà với cả các mạng xã hội khác. Thế nhưng, việc ngăn chặn những hành vi này lại không dễ dàng...

Nguyễn Thúc