TP Hồ Chí Minh: Bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 26/03/2018

(HNM) - Tuy nhiên, với thực trạng khai thác nước ngầm quá mức như hiện nay thì cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong tổng lượng nước ngầm của thành phố khai thác hơn 710.000m3/ngày thì các hộ dân tự khai thác chiếm hơn một nửa. Với lưu lượng khai thác trên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vì đa phần trong đó có chất lượng chưa bảo đảm, chưa kể nạn ô nhiễm, lún sụt, ngập nước... Tuy nhiên, đến nay việc kiểm soát, hạn chế khai thác nguồn tài nguyên này vẫn rất nan giải.


Ảnh minh họa.


Cụ thể, theo Tổng công ty TNHH MTV Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (chưa tính huyện Củ Chi) có hơn 100.000 trường hợp đã được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng nước máy do thói quen sử dụng nước ngầm tự khai thác cho sinh hoạt hằng ngày. Cũng theo kết quả giám sát chất lượng nguồn nước giếng tự khai thác của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, hầu hết các nguồn nước giếng đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt ở các chỉ tiêu pH (chỉ số đánh giá mức độ axít hoặc kiềm của nguồn nước), sắt và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu amoniac.

Từ thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho hay, việc khai thác nguồn nước ngầm quá khả năng bù đắp của tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây sụt lún nền đất, gia tăng đáng kể khả năng xâm nhập mặn vào sâu trong thành phố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, gây suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng tài nguyên nước. Vì thế, việc sử dụng nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung một cách hợp lý không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư phát triển hệ thống cấp nước, giảm chi phí sử dụng nước sạch của người dân mà còn thiết thực bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm cho mọi người sử dụng nước sạch bền vững.

Ngoài ra, theo kế hoạch của Sawaco, năm nay sẽ mở rộng công suất cấp nước các nhà máy nước, trạm cấp nước, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và sản lượng. Trong cao điểm mùa khô sắp tới, sẽ bảo đảm cấp nước được ổn định, liên tục, không để xảy ra sự cố lớn, gây yếu, thiếu nước trên diện rộng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước; tập trung giải quyết một số khu vực có tình trạng áp lực nước yếu, thiếu như: Huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.

Mặt khác, theo điều chỉnh quy hoạch cấp nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 của thành phố, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới cấp nước đồng bộ với kế hoạch nâng công suất sản xuất đạt 1.875.000m3/ngày; xây dựng các phương thức, hình thức đầu tư để thực hiện các dự án cấp nước thông qua các hình thức huy động vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Sawaco cũng đã triển khai đầu tư các dự án phát triển mạng lưới cấp 1, cấp 2 để đáp ứng yêu cầu về áp lực, lưu lượng trên mạng lưới đường ống cấp 3; bảo đảm cấp nước an toàn cho người dân thành phố, nhất là bảo đảm chất lượng nước.

Để bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến lưu ý ngành Nước sạch thành phố chủ động đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để kiểm soát phát hiện các sự cố đường ống cấp nước. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn thành phố chỉ còn ở mức 20%. Đồng thời, sớm hoàn thành việc gắn đồng hồ nước đến từng hộ dân và có giải pháp khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm hiệu quả.

Bên cạnh đó, để duy trì bền vững và bảo vệ nguồn nước ngầm, hiện chính quyền thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường quyết liệt xây dựng bản đồ khu vực cấm khai thác nước ngầm; đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm lượng khai thác nước ngầm xuống còn 100.000m3/ngày.

Gia Bảo