Tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí: Tuyên truyền yếu, khó triển khai

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:13, 26/03/2018

(HNM) - Dù mang ý nghĩa nhân văn to lớn đối với cộng đồng, nhưng việc triển khai chương trình đang gặp khó khăn, chủ yếu do nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa của chương trình...

Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc.


Gặp khó khi triển khai

Chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng do UBND TP Hà Nội và Sở Y tế phối hợp với một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô triển khai từ tháng 3-2017. Đến nay, sau 1 năm thực hiện, hơn 122.000 người dân đã được xét nghiệm ung thư đại trực tràng miễn phí. Kết quả cho thấy, gần 7.000 người có kết quả dương tính. Từ số mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính này, các bác sĩ tiếp tục làm xét nghiệm chuyên sâu và tìm thấy trong số đó có 80% trường hợp mắc bệnh lý về đường tiêu hóa, 40% bắt đầu có polyp hay khối u.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, việc phát hiện sớm và điều trị polyp là một biện pháp quan trọng phòng ngừa phát sinh ung thư sau này. Với polyp đại tràng, chỉ cần thực hiện phẫu thuật nhỏ với chi phí khoảng 2 triệu đồng cộng thêm thời gian nghỉ ngơi 1 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, polyp có nhiều khả năng phát triển thành ung thư đại trực tràng.

Chương trình tầm soát có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân kịp thời ngăn chặn bệnh từ sớm nhưng trong thực tế, nhiều quận, huyện gặp khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng chia sẻ, vào đầu tháng 1-2018, quận tiến hành triển khai thí điểm chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí tại 4 phường (Đồng Tâm, Vĩnh Tuy, Trương Định, Minh Khai). Dù cơ quan y tế đã phát hơn 1.830 mẫu xét nghiệm (test) cho người dân nhưng có đến 40% số mẫu chưa thu lại được. “Có thể do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tầm soát sớm ung thư. Thậm chí, có thể vì nghĩ đây là chương trình miễn phí nên họ chưa coi trọng”, bà Nguyễn Thị Vân Anh cho biết.

Tương tự, tại quận Tây Hồ, dù có sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc nhưng tiến độ triển khai chương trình rất chậm. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, phụ trách chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc, sau 3 tháng triển khai, thu về 5.000 mẫu xét nghiệm, phát hiện 400 mẫu dương tính, trong đó có 1 trường hợp mắc bệnh ung thư. Đây là tỷ lệ không hề nhỏ, là lời cảnh báo về mức độ phổ biến của các bệnh đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng. Thế nhưng, khi triển khai chương trình, bệnh viện phát cho quận 20.000 mẫu xét nghiệm nhưng chỉ thu về được khoảng 5.000 mẫu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, có những ngày chỉ thu lại được 50 mẫu, không đủ để chạy hóa chất. Hơn nữa, thông tin gửi về không đầy đủ; nhiều người không cho biết số điện thoại, do đó, với những người có kết quả dương tính, cần được tư vấn, bệnh viện không biết làm cách nào để liên hệ…

Tăng cường tuyên truyền

Giá mỗi test xét nghiệm trên thị trường là 100.000 đồng/mẫu. Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, ngoài chi phí test còn phải tính chi phí chạy hóa chất. Mỗi lần chạy hóa chất cần có 320 test, việc không thu đủ mẫu xét nghiệm trong khi máy vẫn phải chạy sẽ gây lãng phí. Bởi vậy, nhận thức chưa đầy đủ của người dân không chỉ tạo ảnh hưởng không có lợi cho việc bảo vệ sức khỏe của bản thân họ, mà còn gây lãng phí vô cùng lớn.

Rút kinh nghiệm từ các đơn vị trước và để người dân tham gia gửi mẫu xét nghiệm tích cực, tránh lãng phí, ngay trong tháng 3-2018, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc tổ chức tập huấn cho hơn 200 cán bộ y tế, cộng tác viên dân số của 10 quận, huyện để chuẩn bị triển khai công tác tầm soát ung thư đại trực tràng. Là người tham gia buổi tập huấn, ông Nguyễn Tiến Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ truyền đạt những gì mình lĩnh hội được cho đội ngũ cộng tác viên tham gia phát và thu test để hạn chế tối đa tình trạng mất mẫu xét nghiệm, tránh lãng phí. Sẽ phải tuyên truyền để người dân tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế địa phương về việc lấy mẫu xét nghiệm cũng như điền đầy đủ thông tin cần thiết vào lọ đựng mẫu như họ tên, tuổi, giới tính, ngày lấy mẫu…".

Ông Nguyễn Việt Hoàng, điều phối viên chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng của TP Hà Nội cho rằng, chủ quan, lười đi khám là “bệnh” cố hữu của nhiều người Việt. Phần lớn bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều đó gây khó khăn cho việc điều trị cũng như gây tổn thất lớn về kinh tế cho gia đình. Chính vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư sớm.

Từ ngày 1-4, việc phát mẫu xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng sẽ được triển khai tại 10 quận, huyện (gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên). Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để giải quyết tình trạng không thu hồi được mẫu xét nghiệm sau khi phát cho người dân, việc phát và thu mẫu về cần được thực hiện trong 1 ngày. Nếu kéo dài thời gian, nguy cơ mất mẫu xét nghiệm là rất cao.

Thu Trang