Một Nhật Bản gần gũi giữa lòng Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 17:34, 26/03/2018
Lễ hội của tình hữu nghị
Lễ hội giao lưu văn hoá Nhật Bản 2018 do UBND TP Hà Nội kết hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, diễn ra trong 4 ngày (từ 23 đến 26-3) tại nhiều địa điểm của Thủ đô Hà Nội trong đó tập trung ở khu vực phố đi bộ hồ Gươm, Tượng đài Lý Thái Tổ. Năm nay, quy mô của lễ hội không chỉ dừng lại ở “Lễ hội hoa anh đào” mà còn mở rộng hơn cả về chất lượng và số lượng các hoạt động với rất nhiều nét đặc sắc về văn hoá của Nhật Bản như: Trưng bày hoa anh đào, ẩm thực, múa yosakoi, âm nhạc truyền thống, câu bóng yoyo bằng cần câu, cờ Shogi…
Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản 2018 tại Hà Nội đã trở thành sự kiện văn hóa hấp dẫn hàng vạn du khách đến Hà Nội trong những ngày qua. |
Hình ảnh Nhật Bản với những nét văn hoá đặc trưng nhất đã được giới thiệu đầy đủ bằng nhiều giác quan. Trong nhiều ngày diễn ra lễ hội, đèn lồng mang phong cách Nhật Bản giăng suốt dọc đường Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Lý Thái Tổ... Hình ảnh những địa danh nổi tiếng của Nhật Bản như đền Kinkaku-ji ở Kyoto, tháp Tokyo, núi Phú Sĩ… được sắp xếp cạnh tháp rùa hồ Gươm, chùa Một Cột, cầu Nhật Tân của Việt Nam để du khách có thêm nhiều trải nghiệm.
Nổi bật nhất trong các hoạt động là việc trưng bày hoa anh đào có quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn hẳn 2 năm tổ chức trước đó. Năm nay, hoa anh đào Nhật Bản được sắp đặt đan xen với nhiều loài hoa quý của Việt Nam. Hoa là biểu trưng của cái đẹp. Bởi thể, chủ ý sắp đặt hơn 50 cây hoa anh đào loại lớn, có cây cao hơn 2,5m và 30.000 cành anh đào được cắm đan xen với nhiều loài hoa Việt như địa lan, hồng, cúc hoạ mi… không chỉ tạo nên những tiểu cảnh hoa cầu kỳ, đẹp mắt mà còn hàm ý thể hiện rõ tình hữu hảo giữa hai nước.
Hai ngày cuối tuần (24 và 25-3) là thời điểm cao trào diễn ra các hoạt động giao lưu văn hoá- phố đi bộ hồ Gươm, nhà Bát Giác (khu vực đằng sau Tượng đài vua Lý Thái Tổ), Cung văn hoá Thiếu nhi Hà Nội đón hàng vạn người dân và du khách tham gia lễ hội. Nhiều cô gái trẻ diện áo kimono Nhật Bản và áo dài Việt Nam tạo dáng để lưu giữ hình ảnh “selfie” độc đáo.
Rất đông người dân và du khách đến thưởng lãm hoa anh đào và các loài hoa của Việt Nam |
Cụ Nguyễn Thị Tình 88 tuổi, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn nhờ con gái đưa đi để được tận mắt xem hoa anh đào Nhật Bản. Cụ bày tỏ: “Tôi mới chỉ nhìn hoa anh đào qua ti vi, tranh ảnh, vì thế năm nay tôi nhất quyết nhờ con gái đưa đi ngắm hoa anh đào Nhật Bản. Hai lần tổ chức trước do sức khoẻ không tốt nên tôi bỏ lỡ”.
Chương trình múa Yosakoi tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm với sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên Việt Nam đến từ nhiều CLB khắp cả nước, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh góp phần mang đến một lễ hội thực sự. Trong những trang phục, đạo cụ đẹp mắt, màn đồng diễn múa Yosakoi của các bạn trẻ Việt Nam cho thấy sự am hiểu văn hoá Nhật Bản của giới trẻ. Rất nhiều du khách tỏ ra ngạc nhiên vì sinh viên Việt Nam có thể biểu diễn những màn múa Yosakoi không kém gì các nghệ sĩ Nhật Bản.
Một trong những hoạt động có sức hấp dẫn không kém tại lễ hội là khu vực giới thiệu ẩm thực Việt Nam – Nhật Bản tại Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội với 21 gian hàng. Ở đó, du khách có thể trải nghiệm nhiều nét văn hoá ẩm thực đặc trưng của Hà Nội và Nhật Bản như: Mì ramen, mì xào yakisoba, bánh nướng takoyaki, cơm cuộn shushi, bánh mochi, bánh cuốn Bà Hoành, bánh khúc Cô Lan, phở cuốn, nem, bún thang…
“Đặc sản” của Hà Nội là đây!
Trong buổi họp báo giới thiệu Lễ hội giao lưu văn hoá Nhật Bản, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) Hà Nội khẳng định, đây là lễ hội mang tính giao lưu, giới thiệu văn hoá nên sẽ ngăn chặn những hành vi thương mại hoá. Hà Nội đang trong quá trình xây dựng các lễ hội mới trở thành thương hiệu, sản phẩm du lịch nổi bật của thành phố để thu hút du khách.
1.000 sinh viên Việt Nam tham gia múa Yosakoi. |
Mục tiêu được đặt ra trong các lễ hội văn hoá của Hà Nội khá rõ ràng. Để thực hiện được mục tiêu ấy, nỗ lực tổ chức một lễ hội giao lưu văn hoá đậm bản sắc mà vẫn mang đến không khí vui tươi, gần gũi để người dân và du khách hưởng thụ trọn vẹn trong nhiều ngày quả không đơn giản. Bà Hương Thuỷ, Phó ban Quản lý Di sản (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết, để giữ cho hoạt động trưng bày hoa anh đào kéo dài 4 ngày giữa thời tiết nắng nóng của Hà Nội là cả sự cố gắng của hơn 1.000 con người ngày đêm lao động và giữ gìn. Ban tổ chức luôn cắt cử chuyên gia thường xuyên chăm sóc để giữ cho hoa luôn tươi mới.
Khi màn đêm buông xuống, lượng khách đã vãn, các chuyên gia cây cảnh lại cắt tỉa hoa héo, thay những cành bị gãy, chỉnh lại các tiểu cảnh bị xô lệch do nhiều người chụp ảnh vô tình làm ảnh hưởng để ngày hôm sau không gian trưng bày hoa được tươi, đẹp. Số lượng cành hoa anh đào trưng bày trong lễ hội vì thế đã tăng gấp 3 lần so với sự kiến, từ 10.000 cành như dự kiến lên 30.000 cành.
Theo ghi nhận của PV HNMO, cho đến chiều nay, thời điểm gần kết thúc Lễ hội giao lưu văn hoá Nhật Bản vẫn rất đông du khách đến thưởng lãm và chụp ảnh hoa. Các tiểu cảnh hoa vẫn tươi tắn và rực rỡ.
Bà Hương Thuỷ bày tỏ, một trong những thành công của lễ hội là ý thức của người dự hội đã nâng lên. Trong 4 ngày diễn ra lễ hội không có hiện tượng giẫm đạp, hái hoa, bẻ cành. Tại những điểm vui chơi, người dự hội đã có ý thức hơn, tham gia cổ vũ các hoạt động trong trật tự. Điều đáng mừng, rất đông trong số đó là thế hệ thanh niên, họ tham gia lễ hội với ý thức giữ gìn không gian chung.
Văn hoá ứng xử của người Hà Nội tốt sẽ có sức lan toả tới hành vi ứng xử của du khách thập phương. Khi nhiều người dân sinh sống tại Hà Nội và du khách phương xa cùng ý thức duy trì được nét đẹp trong ứng xử nơi công cộng thì đó sẽ là “đặc sản” đáng quý nhất.