Thiết bị chữa cháy, thoát hiểm đắt hàng
Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 26/03/2018
Tại chợ Dân Sinh (quận 1), bình chữa cháy mini có giá 150.000-300.000 đồng/bình; khẩu trang chống độc khoảng 300.000 đồng/chiếc; búa thoát hiểm 50.000 đồng/chiếc… Theo người bán tại chợ, giá có tăng nhẹ từ 10% đến 20% do nhu cầu cao.
Thang dây thoát hiểm là mặt hàng người nhiều người dân TP HCM tìm mua. |
Khảo sát chung trên thị trường, giá các sản phẩm hỗ trợ thoát hiểm khi xảy ra sự cố nhà cao tầng khá đa dạng. Dòng cao cấp có ba lô thoát hiểm (nhập khẩu Israel) dùng cho 1 người giá từ 29,5 triệu đến 33,5 triệu đồng/chiếc. Trong ba lô có dây và thiết bị có thể giúp nạn nhân đu xuống đất. Các loại khác như bộ dây thoát hiểm hạ chậm, giá từ 4,5 đến 11 triệu đồng/bộ có thể đưa lần lượt 3-4 người trong gia đình xuống đất; thang thoát hiểm giá từ 1 đến 15 triệu đồng tùy chiều dài, chất liệu...
Ông Nguyễn Hạnh Nhân, Giám đốc Công ty cổ phần Vadi, chuyên phân phối dây thoát hiểm Seohan nhập khẩu từ Hàn Quốc cho biết, hai ngày qua khách hàng liên tục gọi điện thoại yêu cầu lắp đặt. Tuy nhiên, do lượng khách tăng đột biến nên người mua phải chờ đến tuần sau mới được khảo sát và lắp đặt; các đại lý phải đến tận kho lấy hàng vì công ty không kịp giao. Ông Nhân nhận định, do vụ cháy chung cư Carina Plaza thiệt hại nghiêm trọng nên doanh số bán các mặt hàng thoát hiểm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề an toàn phóng cháy, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng sửa Luật Xây dựng liên quan đến nhà cao tầng. Theo đó, bên cạnh tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, HoREA đề nghị luật hóa bổ sung đối với nhà cao tầng cần bắt buộc có sàn thoát hiểm. Sàn thoát hiểm có thể nằm các tầng giữa của toà nhà và có đường dẫn thông qua với các block để người dân có thêm nhiều lối thoát hiểm. Đồng thời, mỗi tầng cần có thêm các ống thoát hiểm như nhà cao tầng ở nước ngoài.
Ngoài ra, hiện tranh chấp chung cư rất gay gắt, xảy ra thường xuyên nên việc bảo hành, bảo dưỡng không bảo đảm chất lượng. Vì vậy, quy chế quản lý vận hành nhà chung cư cần phải sửa đổi; đơn vị phòng cháy, chữa cháy cần kiểm tra định kỳ tối thiểu 2 lần/năm về công tác phòng cháy, chữa cháy.