Bộ Nội vụ lý giải việc không quy định tiền lương nhà giáo tại dự thảo luật để nghiên cứu
Đời sống - Ngày đăng : 17:48, 26/03/2018
Chiều 26-3, thông tin về đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo luật để nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ với chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
Một giờ học môn Toán của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương bao gồm cả phụ cấp làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Vì vậy, Bộ Nội vụ đã đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo luật để nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ với chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, nhà giáo hiện nay hưởng chế độ, chính sách về tiền lương cao hơn so với cán bộ, công chức, viên chức khác. Khoản 2 Mục II Kết luận số 23-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về “Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” đã ghi: “Áp dụng một bảng lương chung, thực hiện chính sách đặc thù ngành nghề bằng chế độ phụ cấp; nghiên cứu mở rộng khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp”; “rà soát, xác định rõ các đặc thù, trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp để đảm bảo công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề, công vụ)”.
Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công cũng đã ghi, đối với cán bộ, viên chức ở các ngành sự nghiệp áp dụng chung một bảng lương để làm căn cứ cho việc cấp hoặc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, để đóng/hưởng bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm y tế, trả lương ngày nghỉ chế độ. Tiền lương thực trả phụ thuộc vào nguồn thu và kết quả hoạt động của từng đơn vị sự nghiệp, các ngành Giáo dục, Y tế... được thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi phù hợp.
Căn cứ quy định trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ; công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và đã ban hành một số văn bản về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo. Đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất, đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi của nhà nước đối với nhà giáo.