Sớm gỡ vướng trong giao, nhận công trình thủy lợi
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 26/03/2018
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tính đến ngày 22-3, 11 quận, huyện trên địa bàn thành phố chưa hoàn thành công tác giao nhận công trình thủy lợi, gồm: Chương Mỹ, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai; trong đó, 3 huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Đông Anh có số lượng lớn công trình chưa bàn giao.
Theo ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị chỉ đạo các xã, hợp tác xã "không được chậm trễ trong thực hiện kế hoạch của thành phố". Tuy nhiên, đến nay, huyện còn 10 xã chưa bàn giao 67 trạm bơm, 1.029 tuyến kênh cho Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ quản lý.
Giải thích về việc này, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Hòa, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) cho rằng: Hợp tác xã hoàn toàn đồng ý chủ trương bàn giao công trình do ngân sách nhà nước đầu tư về doanh nghiệp thủy lợi của thành phố quản lý. Tuy nhiên, đối với những công trình được hình thành từ nguồn vốn đóng góp của xã viên thì việc giao - nhận phải thực hiện đúng quy trình... Nghĩa là, trước khi bàn giao, công trình phải được xác định giá trị còn lại, được hội đồng thành viên hợp tác xã thông qua…
Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm: Về cơ chế, chính sách, hiện nay chưa có quy định các hợp tác xã có được ngân sách nhà nước hỗ trợ, chi trả kinh phí đã đầu tư, sửa chữa công trình hay không. Do các công trình xây dựng đã lâu, từ nhiều nguồn vốn, không còn hồ sơ lưu trữ nên việc xác định giá trị tài sản còn lại rất khó khăn. Để bảo đảm khách quan, việc thuê đơn vị tư vấn để định giá tài sản là cần thiết nhưng hiện chưa có hướng dẫn cơ quan nào chịu trách nhiệm về kinh phí thuê tư vấn. Ngoài ra, nhiều xã viên hợp tác xã còn nghi ngại về năng lực quản lý, vận hành của các doanh nghiệp thủy lợi. Thực tế, nếu vụ đông xuân vừa qua, hợp tác xã không chủ động nạo vét kênh mương, dẫn nước lên mặt ruộng thì 482ha sản xuất nông nghiệp của xã Trung Hòa không có nước để gieo cấy.
Một bất cập nữa cần tháo gỡ, theo ông Doãn Văn Tâm, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ: Hiện nay, xí nghiệp có 197 lao động, được giao quản lý, vận hành 36 trạm bơm, 3 hồ chứa, 219km kênh mương, 1.542 cống các loại. So với quy định hiện hành, số lượng lao động của xí nghiệp còn thiếu 43 người. Để bảo đảm an toàn lao động, cấp nước kịp thời cho huyện Chương Mỹ, sau khi tiếp nhận thêm 223 trạm bơm, 3.198 tuyến kênh mương, xí nghiệp cần thêm ít nhất 150 lao động. Tuy nhiên, đến nay, các sở, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể về sử dụng lao động ngoài doanh nghiệp thủy lợi để quản lý, vận hành công trình…
Tương tự, qua tìm hiểu thực tế tại các huyện: Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, Hoài Đức... cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Riêng các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, khó khăn là nhiều tuyến kênh mương thủy lợi đan xen, chồng chéo với các tuyến tiêu thoát nước đô thị, cần phải xác định chức năng nhiệm vụ của công trình để bàn giao cho đơn vị quản lý…
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác giao - nhận công trình thủy lợi. Theo đó, các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi phấn đấu đến ngày 29-3-2018 sẽ hoàn thành công tác giao - nhận công trình. Để hoàn thành mục tiêu này, Sở NN&PTNT đề nghị UBND thành phố giao các địa phương thuê đơn vị tư vấn độc lập xác định giá trị còn lại của các công trình thủy lợi trước khi bàn giao về thành phố quản lý.
Trong điều kiện doanh nghiệp chưa sắp xếp được lao động vận hành, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thì được phép ký hợp đồng kinh tế với xã, hợp tác xã, hoặc thỏa thuận với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tiếp tục vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định.