Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản: Còn nhiều vướng mắc
Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 26/03/2018
Xây dựng vùng nguyên liệu đóng vai trò quan trọng để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Sơn Hà |
Thiếu vốn và chế tài
Theo Bộ NN&PTNT, thời điểm này các địa phương và doanh nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn để chủ động nguồn cung. Tuy nhiên, với thực trạng hàng triệu hộ dân canh tác trên những thửa ruộng nhỏ khiến việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung rất khó khăn. Không những thế, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp quy mô chủ yếu là nhỏ và vừa với số vốn ở mức dưới 5 tỷ đồng; có gần 50% doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động)... gây khó khăn cho việc huy động nguồn vốn đầu tư.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: Do thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp khó liên kết với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nên không thực hiện được hợp đồng xuất khẩu. Thậm chí, một số doanh nghiệp “chào hàng” ở nước ngoài, khi tìm được đối tác ký hợp đồng mới quay trở về gom hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể lường được tình huống thực tế phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đơn cử, loại cây trồng mà đối tác yêu cầu thì người dân sản xuất rất ít hoặc không đủ số lượng đơn hàng hoặc chất lượng chưa bảo đảm dẫn tới hợp đồng bị hủy. Nếu để doanh nghiệp liên kết với người dân, lại phát sinh khó khăn trong việc giám sát quy trình sản xuất...
Về khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại Vũ Thị Vân Phượng chia sẻ: Để nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản an toàn trên thị trường, các doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với số lượng ổn định. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tự xây dựng vùng nguyên liệu thì nguồn lực tài chính, nhân sự tập trung cho vùng nguyên liệu quá lớn, rất khó bảo đảm “đường đi” của nông sản từ đồng ruộng đến khách hàng được trọn vẹn. Thông thường, sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn: Sản xuất, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, các thủ tục thương mại… Nếu liên kết sản xuất với nông dân thì mối quan hệ ràng buộc lỏng lẻo, chưa có chế tài áp dụng nếu nông dân không tuân thủ hợp đồng đã ký. Thực tế, VietRAP đã nhiều lần rơi vào tình trạng bị vỡ hợp đồng do biến động giá thị trường, nảy sinh tình huống bị trà trộn sản phẩm ngoài không bảo đảm chất lượng...
Ông Trần Quốc Toản - Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân, tiêu thụ các loại gạo an toàn - cho biết, để có dây chuyền sản xuất hiện đại, đơn vị đã phải đầu tư kho chứa thóc, cơ sở xay xát, công nghệ bảo quản... với chi phí hàng tỷ đồng. Trong khi đó, nếu phải xây dựng vùng nguyên liệu, công ty gặp khó khăn về chi phí cho mặt bằng, nhân công nhằm bảo đảm quy trình sản xuất đúng tiêu chuẩn...
Cần chính sách hỗ trợ hợp lý
Để xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, hiệu quả, bà Vũ Thị Vân Phượng cho rằng, các doanh nghiệp nên giữ vai trò chính là quản lý, phân phối, cung ứng vật tư nông nghiệp, “đầu vào” (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị, công nghệ…) và bao tiêu “đầu ra” cho các hợp tác xã, các chủ thể liên quan trong vùng và liên vùng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách thuế, đất đai, các chương trình khuyến nông... Về phía công ty, sẽ tư vấn cho nông dân - người trực tiếp sản xuất được hưởng lợi những chính sách này. Từ đó, thay đổi nhận thức, tư duy, cách nghĩ, cách làm của các thành viên và hợp tác xã. Thực tế cho thấy, sau một thời gian, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu nông sản an toàn tại các địa phương: Sapa (Lào Cai), Gia Bình (Bắc Ninh), Kinh Môn (Hải Dương)…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có nguồn cung ổn định mà còn giám sát được chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh. Để phát huy hiệu quả chương trình này, Nhà nước bảo đảm hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng đến “hàng rào” của dự án có xây dựng vùng nguyên liệu tập trung ở các tỉnh, thành phố. Trong trường hợp ngân sách nhà nước chưa thể bố trí kinh phí hỗ trợ, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất với cấp tỉnh và chi phí đầu tư được khấu trừ vào phần thuế phải nộp hằng năm của doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện Chính phủ đang đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có mặt bằng để xây dựng trụ sở, hạ tầng phục vụ sản xuất (kho chứa, nhà máy chế biến, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý chất thải, mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao...), nhận chuyển nhượng và thuê đất của hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác... hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Hy vọng, với những giải pháp cụ thể, thiết thực, những vướng mắc sẽ dần được tháo gỡ, phục vụ chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản hoạt động hiệu quả, bền vững hơn.