Chinh phục mục tiêu thương hiệu xuất khẩu hàng đầu tại khu vực
Kinh tế - Ngày đăng : 20:00, 26/03/2018
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 95,23 triệu USD
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những yếu tố thuận lợi đi kèm với không ít khó khăn, thách thức, song nhờ chủ động hoạch định kế hoạch phát triển kinh doanh, Hapro đã đạt được những kết quả khả quan trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt.
Hệ thống siêu thị bán lẻ Hapro. |
Năm 2017 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hapro ước đạt 95,23 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 90,55 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,68 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Tổng công ty ước đạt 76,9 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 8% so với thực hiện năm 2016; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 90 tỷ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực xuất nhập khẩu, Hapro cũng không ngừng đẩy mạnh kinh doanh và phát triển thị trường nội địa. Năm 2017, doanh thu nội địa của Hapro ước đạt 2.370 tỷ đồng, chiếm 53% tổng doanh thu.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết, trước những khó khăn của tình hình kinh tế nói chung, để tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, Tổng công ty đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý đối với hoạt động của hệ thống mạng lưới kinh doanh thương mại nội địa, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang lại tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart. Bên cạnh đó, Hapro cũng triển khai chương trình kinh doanh gạo nội địa với 3 sản phẩm chủ lực do Chi nhánh Tổng công ty tại tỉnh Đồng Tháp cung cấp trong 2 tháng cuối năm và đã có những tín hiệu khả quan cho việc phát luồng và kinh doanh sản phẩm này.
Cùng với việc mở rộng kinh doanh tại thị trường nội địa, Hapro cũng tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết giữa các địa phương, vùng miền; chủ động phát triển mối liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm để khai thác, phát triển nguồn hàng kinh doanh và phân phối. Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp các sản phẩm dịch vụ, tăng tính cạnh tranh cho hệ thống thương mại của Tổng công ty.
Tại lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, các đơn vị thuộc Tổng công ty cũng đã cố gắng và nỗ lực trong việc tận dụng cơ hội về mùa vụ, tập trung nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực. Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng sự hợp tác, tạo lập và phát triển mối liên kết giữa các đơn vị trong Tổng công ty hình thành các chân hàng và bạn hàng vệ tinh, Tổng công ty vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường sang một số thị trường trọng điểm, có nhiều tiềm năng như: Asean, Hong Kong, Ma Cao, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cũng như tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu về phục vụ cho nhu cầu phân phối, tiêu dùng trong nước.
Cơ hội chuyển mình mạnh mẽ sau IPO
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết, cuối tháng 3-2018, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội sẽ thực hiện IPO. Theo Quyết định số 1558/QĐ-UBND ngày 7-3-2017 của UBND TP Hà Nội, thành phố đã phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Theo Quyết định này, nhà đầu tư chiến lược phải có năng lực tài chính đáp ứng một số tiêu chí cụ thể về vốn, năng lực tài chính. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đặc biệt ưu tiên đối với lĩnh vực kinh doanh về xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, có hệ thống thương mại bán lẻ phù hợp ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty. Phương án sắp xếp lao động của Hapro cũng được UBND TP Hà Nội tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 630 người; tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 550 người; tổng số lao động dôi dư là 80 người, trong đó 79 người sẽ được sắp xếp theo chính sách với lao động dôi dư và một viên chức tinh giản theo chính sách tinh giản biên chế.
Hapro dự Hội chợ Thương mại quốc tế tại Ma Cao (Trung Quốc). |
Sau cổ phần hóa, Hapro sẽ tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở những thế mạnh hiện tại với 66 mã ngành kinh doanh như hiện nay. Trong đó, Hapro sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa, trọng tâm là phát triển hệ thống kinh doanh thương mại bán buôn, bán lẻ tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành để phát triển trở thành doanh nghiệp thương mại lớn của Thủ đô.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 của Hapro là trở thành doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tổng công ty, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty. Bên cạnh đó, Hapro cũng tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của hệ thống thương mại nội địa theo phương châm: nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sự khác biệt, ưu tiên tối đa cho hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Hapro và Việt Nam vào hệ thống kinh doanh. Một trong những mục tiêu quan trọng của Hapro sau khi thực hiện cổ phần hoá là đạt tới mô hình Tổng công ty có tính gọn nhẹ tối đa, linh hoạt, hiện đại và chuyên môn hóa cao cả về công nghệ quản lý, điều kiện phương tiện làm việc và chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Ngày 30-3 tới, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty mẹ-Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 75,9 triệu cổ phần, tương đương 34,51% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, với mức giá khởi điểm 12.800 đồng/cổ phần. Giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa của Hapro tại ngày 30-6-2016 đạt hơn 4.043 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.155 tỷ đồng. |