Tìm đúng giá trị thực

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 28/03/2018

(HNM) - Đổi mới, cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn là vấn đề phức tạp, khó khăn bởi liên quan mật thiết đời sống của người lao động.


Tuy nhiên, trên thực tế, bức tranh tiền lương của Việt Nam cũng dần bộc lộ nhiều hạn chế. Tiền lương chưa thể hiện đúng sức lao động, lương không bảo đảm mức sống tối thiểu, không tạo động lực phát triển nền kinh tế… Mặc dù về cơ bản, chế độ tiền lương được thực hiện đúng, đủ như: Nâng bậc lương, nâng trước thời hạn cho cá nhân có thành tích xuất sắc, nâng lương trước thời hạn để nghỉ hưu... Vậy nhưng, nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng “làm chơi, ăn thật”, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ với cán bộ, công chức, viên chức chưa công bằng...

Cả nước có khoảng 18 triệu lao động làm việc ở khu vực phi chính thức và 76,7% số lao động phi chính thức làm việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản, không tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, không hưởng lương cố định. Nổi lên ở lĩnh vực này là nguy cơ mất cân đối Quỹ Hưu trí và tử tuất trong dài hạn; tỷ lệ người tham gia thấp, diện bao phủ BHXH còn ít. Các chế độ BHXH chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục còn rườm rà,…

Trong bối cảnh phát triển của đất nước và hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, đòi hỏi chế độ tiền lương và BHXH phải được cải cách phù hợp với xu thế phát triển. Cơ quan quản lý cần tìm những giải pháp khắc phục để bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Muốn vậy, yêu cầu trước hết là phải khắc phục được những khuyết điểm của chính sách tiền lương, đặc biệt là tiền lương trong khu vực nhà nước còn chưa theo kịp khu vực thị trường, điều chỉnh lương của người đang làm việc chưa độc lập với điều chỉnh lương hưu và ưu đãi người có công, ảnh hưởng tới tính bền vững của BHXH....; đồng thời phải tiệm cận với các chuẩn mực thực hiện chính sách lương của quốc tế. Vấn đề đặt ra là các bộ, ngành phải hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TƯ “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết 19-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Làm sao để mục tiêu cải cách tiền lương phải bảo đảm cho người lao động có thể đạt được mức sống tốt hơn, sống được bằng tiền lương tối thiểu, đánh giá đúng năng lực của người lao động cũng như khuyến khích được người tài, người giỏi cống hiến nhiều hơn cho công việc.

Với cải cách BHXH, cần cải cách theo hướng phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng hưởng để hỗ trợ cho quỹ và nâng cao chất lượng chi trả. Tầng thứ hai là đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng - hưởng. Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường.

Thực tế cho thấy, chỉ khi đưa tiền lương về đúng giá trị thực, lấy tiền lương làm động lực, an sinh xã hội được bảo đảm sẽ khuyến khích sự phát triển và gỡ bỏ sự kìm hãm nền kinh tế. 

Duy Biên