Hàn Quốc mạnh tay đầu tư vào công nghệ không gian trong năm 2018
Công nghệ - Ngày đăng : 16:05, 28/03/2018
Thử nghiệm tên lửa đẩy KSLV-II do Viện Nghiên cứu không gian Hàn Quốc (KARI) tiến hành. |
Mức đầu tư mới theo đuổi kế hoạch dài hạn mới điều chỉnh của Hàn Quốc, trong đó bao gồm cả nỗ lực đưa các phi thuyền không người lái lên mặt trăng. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, chính phủ sẽ tạm hoãn việc chế tạo khối pin sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ cho dự án mặt trăng giai đoạn 2020-2022, thay vào đó tập trung phần lớn nguồn tài chính mới vào phát triển vệ tinh đa năng và một tên lửa đẩy mới hoàn toàn sử dụng các công nghệ nội địa. Ngoài ra, một khoản nhỏ (56,4 tỷ won) sẽ được chi cho các dự án khám phá mặt trăng.
Trước đó, vào ngày 15-3, Viện Nghiên cứu không gian Hàn Quốc (KARI) đã công bố tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đối với động cơ tích hợp trong tên lửa đẩy KSLV-II (Korea Space Launch Vehicle II). Động cơ 75 tấn này sử dụng nhiên liệu lỏng kerosene và oxy lỏng, sử dụng trong cả ba bước đẩy lên không gian. KAR cho biết, nếu việc thử nghiệm giai đoạn cuối hoàn tất, việc hoàn thiện tên lửa đẩy có thể được đáp ứng kịp lộ trình tháng 10-2018 đề ra trước đó.
Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ phóng KSLV-II vào năm 2021, để đưa thiết bị thăm dò lên mặt trăng. Trước đây, Hàn Quốc từng sử dụng KSLV-I để đưa vệ tinh 100kg lên quỹ đạo vào năm 2013. So với “đàn anh”, KSLV-II có thể đưa thiết bị trọng lượng lên tới 1.500kg vào quỹ đạo, ấn tượng hơn rất nhiều.