"Mỏ vàng" và "ác mộng"
Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 28/03/2018
Tràn ngập nhà nuôi yến không phép
Tìm về huyện Cần Giờ, Nhà Bè, quận 9... chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhiều hộ dân thu nhập hàng tỷ đồng/năm nhờ nghề nuôi chim yến trong nhà. Tại hộ nuôi chim yến có tên "Yến sào Xẻo Lá" ở xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), ông Võ Đắc Danh cho biết, tháng 6-2010, chim yến bắt đầu về làm tổ tại nhà của gia đình. Từ đó đến nay, nghề nuôi yến đã đem lại thu nhập chính và ổn định cho gia đình.
TP Hồ Chí Minh sẽ quy hoạch vùng nuôi chim yến nhằm hướng đến phát triển bền vững. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, từ năm 2006, một số nhà đầu tư bắt đầu xây dựng nhà nuôi chim yến tại huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, đến năm 2008, UBND TP Hồ Chí Minh mới chấp thuận triển khai đề án thí điểm nuôi chim yến trong nhà tại xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) với quy mô xây dựng tối đa 10 nhà nuôi, diện tích 200m2/nhà. Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm này, toàn thành phố chỉ có huyện Cần Giờ được phép nuôi yến, còn nuôi ở nơi khác là trái phép.
Tuy nhiên, do lợi nhuận cao (giá thu gom tổ yến trên thị trường 1.500-2.000 USD/1kg) nên đã có không ít người làm nhà nuôi yến với hy vọng kiếm "lộc trời". Nhiều nhà nuôi chim yến được xây dựng tại các quận nội thành, ngay trong khu dân cư tập trung, thậm chí có hộ dân tận dụng gác lửng làm nhà nuôi chim yến. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 507 nhà yến tại 19 quận, huyện. Trong đó, huyện Cần Giờ có 231 nhà, quận 9 có 60 nhà, huyện Củ Chi có 15 nhà và các quận, huyện còn lại 201 nhà.
Ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các nhà nuôi chim yến ở TP Hồ Chí Minh đều tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương. Các nhà nuôi chim yến không được cấp phép xây dựng, không tuân thủ yêu cầu nhà nuôi chuyên dụng mà chủ yếu xây dựng theo kinh nghiệm của người nuôi. Nhiều nhà yến được cải tạo, cơi nới từ nhà ở, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...), không có biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên chim yến.
Đáng nói, tại các quận 12, Thủ Đức... nhiều hộ xây nhà yến sát nhà ở của người dân, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Bịt tai nhăn mặt vì tiếng loa to dụ chim yến của một hộ nuôi cách nhà vài chục mét, chị T.T.V (phường An Phú Đông, quận 12) bức xúc nói: "Suốt từ 5h sáng tới 18h chiều, họ mở máy dụ chim, tiếng kêu rất to. Người già và trẻ nhỏ như bị tra tấn!". Còn anh N.V.T ở quận Thủ Đức vừa chỉ tay vào cái loa dụ chim yến của nhà hàng xóm, vừa bức xúc: "Họp tổ dân phố tới tôi sẽ nói cho bên đó biết. Nếu không tìm cách nuôi hợp lý, mở loa to suốt ngày, tôi sẽ học theo mấy ông ở tỉnh Bến Tre, mua loa phát tiếng kêu đại bàng, chim lợn, chim cú mèo, tắc kè... đuổi chim yến".
Theo ông Võ Đắc Danh, những nơi mở loa cả ngày với âm lượng quá to là chưa nắm vững kỹ thuật. Đặc thù của loài chim yến là sáng sớm bay đi kiếm ăn, tối bay về lượn vài vòng rồi ngủ. Người nuôi chuyên nghiệp thường phát loa tiếng chim yến lúc khoảng 5h sáng tới 11h trưa, sau đó tiếp tục phát từ 15h chiều đến 19h tối để gọi chim về. Âm lượng phát tiếng chim yến không quá to nên không gây ảnh hưởng nhiều tới mọi người, hơn nữa bật theo giờ cố định chứ không phải bật suốt ngày.
Cần quy hoạch "mỏ vàng"
Trước thực trạng nuôi tự phát, chính quyền TP Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng "Phương án quy hoạch vùng nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn thành phố đến năm 2025". Mục đích trọng tâm của quy hoạch là hướng đến an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời khoanh vùng kiểm soát đàn chim yến, qua đó kiểm soát và xử lý dịch bệnh nếu xảy ra.
Trong dự thảo quy hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đề xuất quận 9, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ được tiếp tục phát triển nhà nuôi chim yến. Lý giải về đề xuất này, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình lấy ý kiến cộng đồng về quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn, phần lớn đều cho rằng chỉ 3 quận, huyện trên là có tiềm năng và điều kiện phát triển bởi các yếu tố về thổ nhưỡng, sông nước, có nguồn thức ăn (phù du, côn trùng...) dồi dào, mật độ dân số thấp, phù hợp để phát triển lâu dài nghề nuôi chim yến. Những vùng nằm ngoài khu vực quy hoạch trên được xác định là "vùng cấm nuôi". Thành phố sẽ không chấp thuận xây mới nhà yến, chỉ cho phép tồn tại những nhà yến hiện hữu đang khai thác có hiệu quả (trên 1kg tổ yến/tháng), với điều kiện bảo đảm về vệ sinh môi trường và kiểm soát được tiếng ồn; đồng thời phải cách xa khu dân cư tập trung.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thế Ruân, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho rằng, những bất tiện khi nuôi yến không đáng kể so với giá trị về mặt kinh tế mà chim yến mang lại. Trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi chim yến chủ yếu là chi phí xây dựng nhà yến (khoảng 1 tỷ đồng, tùy quy mô), những chi phí về thiết bị và bảo dưỡng không đáng kể. Nếu thu hút được chim yến về làm tổ, thu nhập sẽ tăng đều từng năm và rất ổn định.
Về việc TP Hồ Chí Minh sắp tới sẽ quy hoạch vùng nuôi chim yến, ông Phạm Thế Ruân cho rằng, điều này là cần thiết nhằm tránh tình trạng phát triển tràn lan, tự phát, không hiệu quả. Tuy nhiên, thành phố nên đề xuất quy hoạch làm sao để nghề nuôi chim yến phát triển tốt hơn, bền vững hơn chứ không nên thu hẹp theo kiểu "không quản được thì cấm". Theo Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, sắp tới cơ quan này sẽ kiến nghị các địa phương theo hướng, nơi nào đã xây dựng nhà nuôi chim yến thì được phép tồn tại chứ không thể di dời, bởi theo tập quán loài chim yến, việc di đàn rất khó. Chuyển nhà yến đi chỗ khác, chúng lại quay về chỗ cũ. Nếu chỗ cũ không còn tồn tại, có thể chúng sẽ đi luôn...
"Nghề nuôi yến không chỉ dừng lại ở xóa đói giảm nghèo mà thực tế có thể làm giàu, tăng thu nhập ổn định cho bà con sống ở các vùng ven, ngoại thành. Nếu quy hoạch bài bản, nuôi chim yến lấy tổ sẽ đem lại lợi ích lớn về kinh tế, giúp an sinh xã hội", ông Phạm Thế Ruân khẳng định.