“Đánh thức” tiềm năng du lịch Ba Vì
Du lịch - Ngày đăng : 07:52, 29/03/2018
Nhận diện khó khăn
Là vùng đất cổ, huyện Ba Vì có mật độ di tích dày đặc gắn liền với tục thờ Tản Viên Sơn Thánh vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên địa bàn huyện có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống là Kinh, Mường, Dao, lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu bản sắc… Bên cạnh đó, Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng hệ thống sông, suối, núi, rừng với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, với các danh thắng: Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Thiên Sơn, Suối Ngà, hồ Suối Hai, nước khoáng nóng Thuần Mỹ…
Khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì) - một điểm du lịch hấp dẫn. |
Khai thác lợi thế trên, huyện Ba Vì đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, cộng đồng… Nhờ đó, giai đoạn 2015-2017, du lịch Ba Vì đạt tổng doanh thu 770 tỷ đồng, tăng 8,6%/năm; tổng lượng khách đạt 7,76 triệu lượt người, tăng 3,2%/năm. Tính riêng năm 2017, du lịch Ba Vì đón gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 276 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, sự phát triển của du lịch đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhất là 7 xã thuộc khu vực miền núi của huyện Ba Vì.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, kết quả nêu trên chưa tương xứng tiềm năng hiện có. Mặc dù số lượng khách tăng nhưng mức chi tiêu của khách du lịch đến Ba Vì chỉ đạt 105.000 đồng/người; chỉ 20% số khách lưu trú trên địa bàn... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển còn nhỏ lẻ: Trên địa bàn chỉ có 8/16 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 3 sao, chưa có khách sạn cao cấp, chưa có hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, trung tâm mua sắm hiện đại đáp ứng nhu cầu của du khách. Dịch vụ của các cơ sở lưu trú, nhà hàng còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch của Ba Vì còn chưa đồng bộ: Giao thông tiếp cận các điểm du lịch có mặt đường hẹp, chất lượng xấu, nguồn điện không ổn định, thường xuyên bị chia cắt vào những ngày cao điểm… Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, khả năng cạnh tranh còn yếu…
Những hạn chế trên là do huyện Ba Vì chưa có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, chưa có nguồn lực tài chính đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho phát triển du lịch.
Cần nhiều giải pháp
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Năm 2018, huyện Ba Vì phấn đấu đón từ 2,7 triệu đến 2,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 290 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2021, huyện Ba Vì sẽ đón từ 3,5 triệu đến 3,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 520 tỷ đồng…
Để đạt mục tiêu trên, từ nay đến năm 2021, huyện Ba Vì sẽ tập trung hoàn thiện các loại quy hoạch; kết nối các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để tạo nên các tour du lịch khép kín. Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên, Khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì, Khu khoáng nước nóng Thuần Mỹ. Huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch; tích cực phối hợp triển khai lồng ghép các dự án để nâng cấp những điểm di tích, danh thắng, hỗ trợ xây dựng sản phẩm, tập trung nguồn vốn nâng cấp đường điện, thông tin liên lạc; tạo mối liên kết trong và ngoài huyện, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, quản lý điểm đến, tuyên truyền bảo vệ tài nguyên du lịch và tập trung thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch…
Cùng với những giải pháp trên, huyện Ba Vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Huyện cũng sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, nâng cao các sản phẩm du lịch hiện có; đa dạng hóa dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm…, với mục đích thu hút và “giữ chân” du khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn. Huyện Ba Vì cũng sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch mang tính chuyên nghiệp bằng chế độ ưu đãi để thu hút những người có trình độ cao...
“Để du lịch phát triển bền vững, huyện Ba Vì cũng đã đề nghị thành phố chỉ đạo các ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sớm triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Ba Vì; đầu tư kinh phí cho công tác quy hoạch chi tiết du lịch sườn Tây núi Ba Vì, khu vực nước khoáng nóng Thuần Mỹ…” - ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết thêm.