Xử lý chung cư vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy: Quyết liệt, nghiêm minh
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 29/03/2018
Các tòa CT5A, CT5B, CT4, CT6 Khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông) có nhiều vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Bá Hoạt |
15 chung cư khó có khả năng khắc phục
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thành phố và chủ đầu tư, 48/79 chung cư cao tầng đã hoàn thành việc khắc phục những vi phạm, bất cập tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. Ông Mai Thế Hồng, Phó ban Quản trị chung cư N09B2 (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết, chung cư nơi ông sinh sống đã hoàn thành việc khắc phục những tồn tại, được Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp biên bản nghiệm thu từ tháng 9-2017. “Đến nay, các công trình, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đều hoạt động tốt và được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị chủ đầu tư có những biện pháp để giải quyết những vấn đề khác liên quan đến phòng cháy, chữa cháy” - ông Mai Thế Hồng cho biết.
Tuy nhiên, theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, mặc dù trong Thông báo số 303/TB-VP của UBND TP Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy xong trước ngày 28-2-2018, nhưng đến nay vẫn còn 31 chung cư chưa khắc phục xong. Trong số này, 16 chung cư có khả năng khắc phục (13/16 chung cư đã khắc phục được hơn 60%). Thiếu tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, đối với 16 chung cư này, đơn vị tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn và các chủ đầu tư đang tích cực thực hiện trong thời gian sớm nhất. "Khắc phục tồn tại xong hạng mục vi phạm nào, chúng tôi sẽ nghiệm thu hạng mục đó để giúp các chủ đầu tư giảm áp lực" - Thiếu tá Tô Hồng Nho cho hay.
Thế nhưng, theo đánh giá của lực lượng chức năng tại thời điểm hiện tại, 15 chung cư khó có khả năng khắc phục hoàn toàn những tồn tại. Số này chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hà Đông (5 chung cư), quận Long Biên (3 chung cư); các quận: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân mỗi quận có 2 chung cư; các quận: Đống Đa, Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì mỗi địa phương còn 1 chung cư. Đáng chú ý trong số này, có 3 công trình tại Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư, gồm: Trung tâm Thương mại và căn hộ chung cư, chung cư CT2 và chung cư CT4.
Việc 31 chung cư chậm khắc phục vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy khiến cư dân sinh sống tại đây luôn sống trong lo lắng. Sự bất an trước "bà Hỏa" càng tăng lên khi đêm 27-3, xảy cháy tại tầng 18 tòa A1, khu chung cư trên đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm và trước đó hai ngày là vụ cháy tại tầng 21 chung cư CT5A (Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông). Chung cư CT5A, B cùng với các chung cư CT4, CT6 tại Khu đô thị Văn Khê đã được Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố chuyển hồ sơ sang Công an TP Hà Nội xem xét, xử lý theo quy định. Bà Nguyễn Thị Nhuần, Phó ban Quản trị tòa chung cư CT5A cho biết, 6 năm qua cư dân ở đây đã đề nghị, "cầu cứu" nhiều lần, nhưng chủ đầu tư vẫn phớt lờ vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tập huấn phòng cháy, chữa cháy có vai trò quan trọng với người dân sinh sống tại các chung cư. |
Kiên quyết xử lý vi phạm
Những vụ cháy gần đây là báo động đỏ đối với an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, sau vụ cháy chung cư Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh), Bộ Xây dựng đã giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình phối hợp với Sở Xây dựng các địa phương rà soát các công trình, tòa nhà chung cư đã khai thác sử dụng, để yêu cầu các chủ đầu tư có giải pháp khắc phục, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. "Việc các chung cư, tòa nhà phải bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đã có quy định, tuy nhiên chúng tôi yêu cầu phải kiểm tra lại để bảo đảm thực sự an toàn" - Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cần kiểm tra, xử lý nghiêm chủ đầu tư không tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy khi xây dựng công trình; kiên quyết không cho vận hành, sử dụng tòa nhà, chung cư khi chưa hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Mặt khác, việc vận hành quản lý chung cư đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy cũng rất quan trọng và phải được tuân thủ nghiêm ngặt.
Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), việc "cưỡng chế" người dân ra khỏi các chung cư vi phạm là rất khó khăn. Vì vậy, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đề xuất UBND TP Hà Nội ngừng cấp hộ khẩu, quyền sử dụng đất tại các chung cư vi phạm, cố tình chây ỳ việc khắc phục. Để bảo đảm cho người dân sinh sống trong 31 chung cư còn đang vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy, trước mắt đơn vị đôn đốc các chủ đầu tư duy tu, bảo dưỡng các thiết bị đã có; huấn luyện nâng cao kỹ năng cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và tuyên truyền các quy định về an toàn phòng cháy để người dân hiểu và chấp hành.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết thêm, đối với 15 công trình khó có khả năng khắc phục vi phạm, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố biện pháp xử lý, đồng thời làm việc với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) thống nhất việc áp dụng các biện pháp khắc phục thay thế. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố cũng hướng dẫn cụ thể cho các chủ đầu tư lập hồ sơ, luận chứng "xin" giải pháp khắc phục tồn tại. Nếu các chủ đầu tư không khắc phục và nghiệm thu các tồn tại, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố sẽ chuyển hồ sơ để Công an thành phố xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quý I-2018, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đã kiểm tra 3.873 lượt chung cư cao tầng. Qua đó tạm đình chỉ, đình chỉ 126 lượt hạng mục, công trình; lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 226 lượt cơ sở với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. |