Công tác phòng, chống thiên tai phải được ưu tiên hàng đầu

Đời sống - Ngày đăng : 13:34, 29/03/2018

(HNMO) - Đây là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 29-3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai. Ảnh VGP/Quang Hiếu


Năm 2017 có số lượng bão kỷ lục với 16 cơn và 4 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông. Trong đó, nhiều cơn bão mạnh như bão số 12 đã làm 123 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế gần 22.700 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với tổng thiệt hại thiên tai trong năm 2016. Năm 2017, thiên tai cũng làm 386 người chết, trong đó có 243 người chết do mưa lũ, ngập lụt và 71 người chết do sạt lở đất, lũ quét; 43 người chết do bão. Tổng thiệt hại về tài sản, kinh tế hơn 60.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với mức trung bình trong nhiều năm.

Trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm 400 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất khoảng 1-1,5% GDP, chưa kể những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện sống. Đáng lưu ý, năm 2017 thiệt hại về con người, tài sản trên biển đã giảm nhưng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi có xu hướng gia tăng. Thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng về cường độ và tính chất bất thường, khó lường, theo chiều hướng cực đoan. Điển hình trong 2 năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng tại 18 tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ NN&PTNT, các địa phương về phòng, chống thiên tai thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Việt Nam là một trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất, thiên tai xen kẽ với biến đổi khí hậu. Do đó, các địa phương phải nhận thức rõ điều này để có phương án phòng chống hiệu quả. Để cho dân đói, dân rét là do nhận thức kém của lãnh đạo, cán bộ phải hướng đến nhân dân.

Tuy thiên tai xảy ra nhiều, nhưng sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 vẫn có sự tăng trưởng cao hơn những năm trước. Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt hơn 36 tỷ USD, chất lượng gạo của Việt Nam lần đầu tiên cao nhất Châu Á; tái cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo xu hướng thích nghi với thiên tai... Đây là thành công bước đầu của nền nông nghiệp hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả bước đầu về công tác phòng chống thiên tai, trước tiên là việc hoàn thiện thể chế chính sách, quy phạm pháp luật về công tác này. Công tác chỉ huy, chỉ đạo điều hành đã có nhiều tiến bộ, cơ bản nhận thức của hệ thống chính trị là tốt, tinh thần “4 tại chỗ” được quán triệt đúng lúc, nhất là lực lượng quân đội, công an, vai trò của truyền thông, điện lực. Những hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực lâu dài của các tổ chức quốc tế bước đầu có hiệu quả. Công tác cứu trợ, tấm lòng chia sẻ, “lá lành đùm lá rách”, cuộc vận động toàn dân khi bão, lũ xảy ra được huy động kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai như: Cơ sở hạ tầng, thiết kế và quy hoạch công trình chưa đạt yêu cầu; năng lực quan trắc dự báo, sạt lở đất, mưa lũ, lũ quét, lũ ống còn yếu. Một số chính quyền địa phương còn chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai, dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

Để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đưa ra 6 ý kiến chỉ đạo gồm: Phòng chống thiên tai phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phòng chống thiên tai là quản lý rủi ro, quan tâm tới công tác phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện các giải pháp tổng hợp đồng bộ theo hệ thống liên ngành, liên khu vực, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ. Công tác phòng chống thiên tai phải đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của cả nước, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch phát triển phòng chống thiên tai. Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải tính lại cho phù hợp, hiệu quả, làm rõ thị trường để bảo đảm cung - cầu. Các địa phương đầu tư theo hướng khôi phục và nâng cấp những công trình phòng chống thiên tai tốt hơn đáp ứng nhu cầu đa mục tiêu. 

Để nâng cao công tác phòng, chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tốt hơn nữa để phục vụ công tác này theo hướng tinh, gọn và hiệu quả. Các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, truyền thông kịp thời hơn về công tác phòng, chống thiên tai và phải được ưu tiên hàng đầu vì liên quan đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đối với các vùng miền, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh phía Bắc - nơi thường xuyên chịu lũ quét, sạt lở đất cần bảo đảm an toàn hồ đập, quy trình vận hành liên hồ, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong lệnh xả lũ. Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phải bảo đảm an toàn hệ thống phòng chống thiên tai, hệ thống đê điều. Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn cho Thủ đô Hà Nội.

Đối với các tỉnh duyên hải, miền Trung, Tây Nguyên, do có độ dốc lớn, cần bảo đảm an toàn hồ đập, phương án xả lũ, khu vực neo đậu tàu thuyền, khu vực khai thác, nuôi trồng thủy sản. Với Đồng bằng sông Cửu Long, đây là nơi biến đổi khí hậu mạnh nhất nên cần được quan tâm, từ công tác quy hoạch phòng chống thiên tai đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, xây dựng công trình đa năng, cấp bách. Các bộ, ngành cần có giải pháp đề phòng khi Việt Nam có siêu bão vẫn có thể ứng phó kịp thời...

Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý đối với các đô thị lớn như: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…, phải rà soát lại hệ thống tiêu thoát nước, không được lấp các hồ khi xây dựng đô thị; quy hoạch diện tích trồng cây xanh.

Ngọc Quỳnh