Hà Nội: 4 huyện, 255 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chính trị - Ngày đăng : 14:18, 29/03/2018

(HNMO) – Chiều 29-3, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tổ chức hội nghị giao ban quý I, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong 9 tháng cuối năm 2018.

Tới dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố.


Trồng rau an toàn đạt từ 500 triệu – 1 tỉ đồng/ha/năm

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chu Phú Mỹ trình bày, hết quý I, Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, sản xuất nông nghiệp được quan tâm, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao.


Toàn cảnh hội nghị 


Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao được hình thành như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25-30%; vùng sản xuất rau an toàn trị giá đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng rau ăn quả trị giá từ 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh giá trị từ 0,5 – 1,5 tỉ đồng/ha/năm, có nơi đạt 2 tỉ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư giá trị từ 1-2 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất thuỷ sản giá trị từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Đến nay, thành phố Hà Nội có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 255 xã (chiếm 66,06% tổng số xã trên địa bàn thành phố) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 39 xã được Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đồng ý trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận.

Bên cạnh những thành tích đạt được, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại. Về phát triển nông nghiệp: Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế, năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả chưa cao; giá trị chăn nuôi thấp.

Về xây dựng nông thôn mới: Công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn đầu tư của nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều; tiến độ điều chỉnh quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của các xã còn chậm…

Về nâng cao đời sống nông dân, đặc biệt là bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, đồng bào dân tộc còn thấp, kinh tế còn khó khăn như ở Ba Vì, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thường Tín… Một số huyện, tỉ lệ hộ nghèo còn tương đối cao…

Báo cáo nêu lên 3 nhiệm vụ thực hiện 9 tháng cuối năm, gồm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Theo đó, để thực hiện các nhiệm vụ, 11 nhóm giải pháp được đề ra, trong đó có một số nhóm giải pháp đáng chú ý.

Đó là: Các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục rà soát, tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020; tiếp tục rà soát các quy định, cơ chế chính sách của trung ương và thành phố, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn; có chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường huy động đa dạng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới; tập trung huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất; huy động nguồn lực đầu tư và hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư, các quận.

Tiếp tục quan tâm đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; quan tâm đầu tư các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất; nâng cao năng lực quản lý, điều hành chuyên môn của các đơn vị liên quan; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia sản xuất đạt hiệu quả cao.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và xây dựng quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và quy hoạch trung tâm xã với tỷ lệ 1/500 theo quy định...

Báo cáo cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ chế xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề truyền thống để bảo đảm ổn định tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ giới phân lũ thuộc lưu vực các sông chảy qua địa bàn Hà Nội phù hợp với thực tế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các xã ven sông trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Triển khai đồng bộ 4 công việc trong quý II

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các huyện Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng…, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và đặc biệt là sự tham gia tích cực của nhân dân toàn thành phố trong việc triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy trong quý I năm 2018.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.


Đánh giá kết quả cụ thể, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, các địa phương đã hoàn thành kế hoạch. Cụ thể, về phát triển nông nghiệp, thành phố đã hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ Xuân theo đúng thời vụ, với tổng diện tích gieo trồng là 120.000 ha, đạt 100% kế hoạch. 

Về xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới đều đã và đang duy trì, nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, như các huyện Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất. 

Về xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân sau dồn điền đổi thửa, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ biểu dương những đơn vị đã hoàn thành 100% kế hoạch, như các huyện: Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây.

Về nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đánh giá, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Trong đó, một số địa phương có thu nhập cao, như: Thạch Thất, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm… Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn thành phố đạt 86,06%. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng làm rõ hơn những hạn chế tồn tại trong các lĩnh vực, như: một số nơi còn chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; một số địa phương chưa thu hút được các nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới; nhiều nơi thu nhập còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao…


Để hoàn thành kế hoạch của năm 2018, trong 9 tháng còn lại, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm. 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản...

Trong xây dựng nông thôn mới, tiếp tục tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; các quận tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng nông thôn mới; huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả để bảo đảm chất lượng, tiến độ các chương trình; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách của trung ương và thành phố, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn; có chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... 

Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần có kế hoạch duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí; xây dựng đề án quy hoạch xã nông thôn mới điển hình tiên tiến. Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, cần tiếp tục hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, phấn đấu năm nay toàn thành phố có thêm tối thiểu 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới... 4 huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2018. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của các địa phương, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch... 

Về nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu tiếp tục triển khai tốt các chương trình quốc gia về y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo. Các đơn vị, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Thành ủy về giải quyết điểm nóng an ninh nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, gắn với đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang; duy trì, nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gắn với thực hiện hai quy tắc ứng xử của thành phố… 

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý, thời gian tới, Hà Nội sẽ sơ kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Chương trình 02. Việc tổ chức sơ kết phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.

Hoàng Quyên - Ngô Hương; Ảnh: Bá Hoạt