Hiểu sai về thuận tự nhiên - Đừng để thuốc đông y mang tội
Đời sống - Ngày đăng : 08:54, 30/03/2018
Đông y ủng hộ thuận tự nhiên một cách khoa học
Trao đổi về vấn đề thuận tự nhiên với góc nhìn đông y, thầy thuốc đông y Phùng Tuấn Giang (nhà thuốc đông y Thọ Xuân Đường) khẳng định việc thuận theo tự nhiên như các trào lưu kể trên là phản khoa học, đã có những trường hợp theo đó mà để lại hậu quả đáng tiếc.
Khoa học ngày nay cũng hướng đến tự nhiên, phù hợp với quan điểm đông y về thuận theo tự nhiên như: Dùng thuốc có nguồn gốc tự nhiên, ăn uống gần gũi với tự nhiên (thực phẩm sạch, đúng mùa), sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học… Do đó, đông y ủng hộ việc thuận theo tự nhiên một cách đúng đắn như vậy.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam hiện có 5.000 nguồn cây thuốc thuần Việt. |
Cũng theo ông Giang, hiện nay, các bài thuốc đông y trên mạng được lan truyền rất nhiều, mọi người đều dễ dàng tìm kiếm và chỉ mang tính chất tham khảo. Với hệ thống lý luận y học cổ truyền, việc chẩn đoán bệnh cần phải toàn diện, biện chứng luận trị kỹ lưỡng mới có được phương pháp điều trị phù hợp.
Cùng 1 bệnh, nhưng mỗi cá thể khác nhau sẽ có biểu hiện khác nhau, mức độ giai đoạn khác nhau và thể trạng khác nhau. Vì vậy, một bài thuốc có thể có hiệu quả nhưng không phải thích hợp với tất cả mọi người, mà phải gia giảm, phối ngũ các vị thuốc, tăng giảm liều lượng phù hợp với từng cá thể.
Theo các thầy thuốc đông y, để kê được đơn thuốc đông y tốt đòi hỏi thầy thuốc phải có kiến thức chuyên môn về bệnh học, y lý, đông dược và phương tễ. Những người áp dụng những bài thuốc đông y trên mạng mà không được sự khám bệnh và tư vấn của thầy thuốc có thể nhận hậu quả là bệnh nặng thêm có thể là phương thuốc đó không đúng với tình trạng của bệnh nhân, càng làm mất cân bằng âm dương trong cơ thể.
Đừng để thuốc đông y mang tội
Bên cạnh việc hiểu sai về “thuận tự nhiên”, chất lượng thuốc đông dược ít được kiểm soát cũng đang tạo ra nhiều bất ổn trong sử dụng các bài thuốc, vị thuốc tự nhiên.
Đảm bảo các điều kiện trồng tưới khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế, nguồn thuốc đông y thuần Việt đang được vực dậy tích cực. |
Phần lớn dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (theo Viện Dược liệu, con số này chiếm tới 80% lượng dược liệu trong nước) khiến chất lượng khó kiểm soát gây xáo trộn thị trường. Những vấn đề như hàm lượng hoạt chất, có tồn dư chất độc hay không chưa trả lời được khiến phát triển ngành dược liệu chậm lại.
Những năm gần đây, bằng nỗ lực của cả các doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và quốc tế, nguồn thuốc đông y “thuận tự nhiên”, thuần Việt Nam “sạch” đang được vực dậy tích cực.
Các vùng trồng nguyên liệu sạch đang được dần hình thành với việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Châu Âu và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới GACP-WHO, tiêu chuẩn Hữu cơ Organic, tiêu chuẩn ISO 22000... lên các vùng trồng.
Theo báo cáo của Dự án Phát triển dược liệu sạch BioTrade do Liên minh Châu Âu tài trợ tại Việt Nam, hiện tại Việt Nam đã hình thành nên 22 vùng trồng dược liệu sạch theo nguyên tắc đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe như vậy.
Nhiều vùng trên cả nước đã dần hình thành các vùng nguyên liệu lớn đã thành thương hiệu như vùng trồng atiso và chè dây tại Lào Cai; quế tại Yên Bái; hồi tại Lạng Sơn; bèo hoa dâu tại Bắc Giang; quất, dây thìa canh, đinh lăng tại Nam Định; gấc, rau má tại Nghệ An; bụp giấm, cỏ mực, diệp hạ châu, lạc tiên, rau đắng đất tại Phú Yên, nghệ tại Đăk Lắk... mang lại doanh thu hàng trăm triệu mỗi ha cho người nông dân.
Cụ thể, theo ông Viên Kim Cương, Giám đốc dự án BioTrade, thu nhập trung bình ở vùng trồng atiso phổ biến là 100 triệu/ha, đương quy 100 triệu/ha, đinh lăng 300 triệu/ha, quất 90 triệu/ha, vùng trồng diệp hạ châu cho thu nhập 250 triệu/ha...
Nguồn nguyên liệu sạch đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe sau khi được thu hái sẽ được đưa đến mạng lưới nhà máy kết nối để tiến hành chiết xuất dược chất, phục vụ sản xuất dược liệu trong nước.
Theo đại diện một công ty dược, dược liệu đạt tiêu chuẩn kiểm định sau khi vào nhà máy còn phải tiếp tục được soi vi mẫu, kiểm tra hoạt chất… giúp định nhận biết đúng dược liệu. Bên cạnh đó, thay vì bài thuốc sắc các doanh nghiệp dược liệu có thể chuyển thành viên nén, dạng bột nano… vừa giúp đơn giản việc dùng, lại vừa giúp làm giàu dược chất trong một lượng dùng nhỏ.
Các doanh nghiệp dược liệu, các tổ chức quốc tế đang cùng chung tay để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu dân tộc. Một cái nhìn đúng đắn về “thuận tự nhiên” về cách sử dụng nguồn dược liệu sạch, được chế biến và áp dụng một cách khoa học vào thực tế sẽ góp phần trả lại chỗ đứng cho đông dược.