Cần sự đồng thuận của người dân

Đời sống - Ngày đăng : 22:44, 30/03/2018

(HNMO) - Tại buổi kiểm tra thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ (gọi tắt là Dự án đường trục phía Nam) ngày 6-2-2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu chủ đầu tư dự án tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công...

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn một số hộ dân thôn Dụ Tiền chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đã được phê duyệt, gây khó khăn cho việc triển khai dự án.

Kiến nghị của người dân không có cơ sở

Dự án đường trục phía Nam có điểm đầu là quận Hà Đông, chạy qua địa phận các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, điểm cuối giao với quốc lộ 1A (đoạn phía dưới Cầu Giẽ) do Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT. Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Oai, đến nay, toàn huyện đã bồi thường, hỗ trợ GPMB xong trên 87 ha ở các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Thanh Thùy, Thanh Văn, Tân Ước, Hồng Dương, Liên Châu và bàn giao cho đơn vị thi công. Riêng xã Thanh Thùy, thực hiện Dự án đường trục phía Nam, toàn xã thu hồi 8,98 ha của 309 hộ ở 3 thôn Gia Vĩnh, Rùa Hạ 2 và Dụ Tiền. Đến nay, chỉ còn 360m chiều dài tuyến đường (từ Km10+300 đến Km10+660) với khoảng 8.000m2 đất quỹ II (đất công ích) nhận khoán theo lao động tại đồng Hai và đồng Chương do 24 hộ dân thôn Dụ Tiền sử dụng chưa nhận tiền hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh những vướng mắc trên, ông Đoàn Viết Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho biết, triển khai GPMB thực hiện dự án qua địa phận thôn Dụ Tiền, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện đã làm đúng, đủ các bước theo quy trình, các hộ dân hợp tác, không có ý kiến gì. Tuy nhiên, khi lên phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhiều hộ dân thôn Dụ Tiền có đơn đề nghị bồi thường, hỗ trợ bằng giá quỹ đất I (đất giao theo Nghị định 64). Lý do các hộ đưa ra là họ sử dụng ruộng từ việc gắp phiếu, giữa họ và UBND xã không có hợp đồng thuê đất, đất sử dụng liên tục từ năm 1992 đến nay, không có thời hạn nên không thể quy diện tích ở đồng Hai và đồng Chương vào quỹ đất II được...


Khoảng 8.000m2 đất tại thôn Dụ Tiền (xã Thanh Thùy) chưa được GPMB.


Được biết, trong năm 2016, sau khi nhận đơn kiến nghị của các hộ dân thôn Dụ Tiền, UBND huyện Thanh Oai đã giao cho các cơ quan chức năng xác minh và ban hành Thông báo số 179/TB-UBND ngày 5-10-2016 về việc trả lời đơn công dân thôn Dụ Tiền. Thông báo nêu rõ: Việc giao ruộng khẩu sử dụng lâu dài tại thôn Dụ Tiền được thực hiện theo Kết luận số 41/TB-KT ngày 13-7-1992 của Tỉnh ủy Hà Tây (cũ); Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 3-8-1992 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các hộ nông dân...; Nghị quyết của Huyện ủy Thanh Oai, Đảng ủy xã Thanh Thùy về phát triển, đổi mới sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu xã viên HTX nông nghiệp Thanh Thùy ngày 5-10-1992. Cụ thể, thôn Dụ Tiền đã giao cho mỗi nhân khẩu 1,55 sào và 0,1 sào đất 5% - đất kinh tế phụ gia đình. Phần diện tích còn lại (đất quỹ II), trong đó có xứ đồng Hai và đồng Chương đã được thôn giao khoán cho mỗi lao động chính 1 sào. Theo ông Đoàn Viết Tuấn, từ những căn cứ trên cho thấy đề nghị của người dân là không có cơ sở.

Quá trình xác minh, UBND xã Thanh Thùy và UBND huyện Thanh Oai đều khẳng định, diện tích đất tại xứ đồng Hai và đồng Chương chính là đất quỹ II do UBND xã Thanh Thùy quản lý. Năm 1992, khi giao khoán theo lao động là đúng với quy định tại Quyết định số 250 của UBND tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên, do diện tích manh mún, nhỏ lẻ nên UBND xã chưa thực hiện đấu thầu, giao khoán để ký hợp đồng giao thầu cho từng hộ mà chỉ đạo thôn Dụ Tiền lập sổ theo dõi để làm căn cứ thu các khoản dịch vụ và sản lượng cao hơn so với diện tích đất giao theo Nghị định 64. Song, các hộ không đồng ý với kết quả xác minh và tiếp tục làm đơn khiếu nại Thông báo số 179/TB-UBND. UBND huyện Thanh Oai đã thụ lý giải quyết khiếu nại của người dân, tổ chức đối thoại và ban hành Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 5-2-2018 về việc giải quyết đơn khiếu nại của các hộ dân thôn Dụ Tiền, nhưng các hộ vẫn tiếp tục không nhất trí.

Cần sự đồng thuận của người dân

Để chứng minh xứ đồng Hai và đồng Chương là quỹ đất II, ông Nguyễn Đức Tuế, Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy cho biết, trong đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất tự kê khai năm 1997, các hộ dân thôn Dụ Tiền cũng không kê khai diện tích giao khoán theo lao động tại xứ đồng Hai và đồng Chương vào, điều này chứng tỏ bản thân các hộ cũng hiểu đó không phải là quỹ đất I. Trong tất cả các báo cáo thống kê, kiểm kê đất đai từ thôn đến xã từ năm 1992 đến nay đều khẳng định diện tích này là đất quỹ II. Hơn nữa, sử dụng quỹ đất I các hộ không phải nộp tiền thuế đất nông nghiệp, còn diện tích giao khoán theo lao động (quỹ đất II), hằng năm các hộ dân đều phải nộp tiền thuê khoán cao trả bằng thóc theo quy định của UBND xã. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tuế thừa nhận là xã chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý quỹ đất II.

Mặc dù chính quyền địa phương có nhiều bằng chứng khẳng định xứ đồng Hai và đồng Chương thuộc quỹ đất II với mức hỗ trợ 48,6 triệu đồng/sào, song hiện nay người dân vẫn khăng khăng cho rằng khu vực này là đất quỹ I, vì thế phải được bồi thường, hỗ trợ ở mức gần 293 triệu đồng/sào, dù không hề cung cấp được bất cứ chứng cứ nào thuyết phục. Được biết, từ ngày 28-2-2018, UBND xã Thanh Thùy ban hành Thông báo số 08/TB-UBND về việc ngừng sản xuất nông nghiệp và Thông báo số 09/TB-UBND về việc ngừng giao khoán và bàn giao mặt bằng đối với 49 hộ canh tác trên quỹ đất công do UBND xã Thanh Thùy quản lý thuộc phạm vi thu hồi của Dự án đường trục phía Nam nhưng một số hộ không chấp hành.

Dự án đường trục phía Nam là tuyến đường quan trọng, nếu vướng mắc trong GPMB tại xã Thành Thùy không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công dự án. Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện Thanh Oai, UBND xã Thanh Thùy đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất bị thu hồi chấp hành nghiêm chính sách GPMB, giao đất để thực hiện dự án, nhưng đến ngày 29-3, vẫn còn 24/51 hộ dân thôn Dụ Tiền chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Trước thực trạng trên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai cho biết, để dự án triển khai đúng tiến độ rất cần sự đồng thuận của người dân. Hiện nay, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với xã Thanh Thùy tuyên truyền, vận động để các hộ chấp hành chính sách GPMB. Tuy nhiên, nếu hộ nào cố tình không chấp hành, UBND huyện sẽ có biện pháp cưỡng chế thu hồi, bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án đường trục phía Nam nhằm bảo đảm đúng tiến độ.

Hoàng Minh - Minh Huệ