"Mổ xẻ" tìm cơ hội và nhận diện khó khăn, thách thức từ tăng trưởng cao
Kinh tế - Ngày đăng : 14:45, 30/03/2018
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện một số địa phương đang là những đầu tàu kinh tế, có đóng góp lớn vào tăng trưởng cả nước thời gian qua như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... cùng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội và một số doanh nghiệp lớn.
GDP quý I tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018 là rất tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt khoảng 7,38% (cùng kỳ 2017 tăng 5,15%). Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Cả 3 khu vực kinh tế lớn đều có sự tăng trưởng và đóng góp vào mức tăng trưởng chung: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 4,05% (cùng kỳ tăng 2,08%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,70% (cùng kỳ tăng 4,48%); khu vực dịch vụ ước tăng khoảng 6,70% (cùng kỳ tăng 6,36%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I duy trì đà tăng trưởng cao, ở mức 11,6% (cùng kỳ tăng 5,1%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất, đạt 13,9% (cùng kỳ tăng 7,8%); sản xuất và phân phối điện tăng 10,5% (cùng kỳ tăng 8,5%); khai khoáng tăng 0,4% (cùng kỳ giảm 8,5%).
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển tích cực: Xuất khẩu ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 14,8%); nhập khẩu ước đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% (cùng kỳ tăng 24,4%); xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng dự báo nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả ngoài nước và trong nước thời gian tới. Đặc biệt, ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức lớn, như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.
Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng... đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017. Thêm vào đó, thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động.
Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội quý I-2018, tổng hợp tình hình và năng lực sản xuất các ngành, lĩnh vực theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự báo một số diễn biến kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới, Bộ KH&ĐT đã triển khai xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 theo từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm theo 2 phương án là 6,7 và 6,8%.
Với kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,7%, Bộ KH&ĐT cho rằng với mức tăng trưởng của quý I đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp đều phải nỗ lực, cố gắng trong các quý còn lại của năm 2018, tất cả các lĩnh vực đều phải đạt mức tăng trưởng cao.
Kịch bản 2, tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,8% được xây dựng bám sát theo kịch bản 1, trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khá tốt.
Trong trường hợp không có biến động tiêu cực lớn xảy ra, bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh và đưa vào hoạt động được các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo lớn thì mức độ đóng góp của ngành Công nghiệp trong tăng trưởng chung GDP của cả nước sẽ được cải thiện vượt bậc.
Hàng chục ý kiến đóng góp của các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai..; của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng lớn, đại diện bộ ngành trung ương... được nêu tại Hội nghị đều trên tinh thần không chủ quan trước mức tăng trưởng cao đạt được, mà từ kết quả này, phải nhận diện được khó khăn, thách thức trong thời gian tới cũng như "mổ xẻ", tìm ra các cơ hội mới.
Tái cấu trúc nền kinh tế: Làm phong trào, hình thức sẽ phải làm lại!
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Việc hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thành kế hoạch 5 năm và hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Những kết quả đạt được trong quý I là hết sức khả quan với những điểm sáng tăng trưởng trong cả công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo... Nông nghiệp cũng đang lấy lại phong độ, tiếp tục đi lên trong quý đầu 2018.
"Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta đang đứng trước nhiều "điểm nghẽn" trước mắt và lâu dài như cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn lực con người. Ngoài ra, vấn đề thị trường, điều kiện môi trường tự nhiên, thiên tai, khí hậu cũng đang là thách thức lớn" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu.
Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như các DN là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, tạo môi trường cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển. Mặt khác, để bảo đảm kịch bản tăng trưởng, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư cũng như sự đóng góp của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm cho tăng trưởng của cả nước.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đã đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP cùng với các chương trình hành động của Chính phủ, trong đó tập trung tái cấu trúc nền kinh tế.
"Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp..., chúng ta đã thực hiện tái cấu trúc, nhưng với những điểm chưa phù hợp, làm theo phong trào, hình thức thì phải làm lại, căn cứ vào thị trường toàn cầu, coi trọng thị trường nội địa. Tái cấu trúc phải gắn với ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, gắn với các điều kiện thực tế mỗi vùng, ngành, địa phương" - Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch phát triển, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện quy hoạch, xác định rõ nguồn lực, thứ tự ưu tiên triển khai; rà soát lại tất cả các chỉ tiêu kế hoạch, xác định rõ nguyên nhân, hạn chế, từ đó đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.