Nhức nhối nạn xâm hại cây xanh

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:16, 31/03/2018

(HNM) - Vì mục đích cá nhân, một số người đã đang tâm xâm hại, thậm chí bức tử cây xanh.


Đi trên đường phố Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều cây xanh bị sử dụng làm cột treo băng rôn, quảng cáo... Có nơi, những “lá phổi” bị cuốn chặt bởi hệ thống dây đèn nhấp nháy, thậm chí đóng đinh vào cây xanh để làm “giá treo đồ”. Hay ở các khu phố ăn uống, nhiều nhà hàng đặt bếp than tổ ong, bếp gas công nghiệp ngay dưới gốc cây để đun nấu… Đáng nói, một số nơi, cây xanh còn bị bức tử bằng hình thức bịt xi măng, đổ nước sôi, hóa chất vào gốc cây, chặt rễ… Tình trạng trên diễn ra khá phổ biến và ở mọi thời điểm trong năm. Có nhiều nguyên nhân khiến cây xanh bị xâm hại như các đơn vị thi công hệ thống cống ngầm vô tình làm bật gốc, xe ô tô đâm đổ, người dân thiếu ý thức và... “tội” cây án ngữ mặt tiền kinh doanh. Điều đáng tiếc là nhiều cây xanh bị xâm hại có đường kính lớn, với tuổi đời từ 30 đến 60 năm.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, hiện trên địa bàn 12 quận có khoảng 90.000 cây bóng mát. Đặc biệt, có khá nhiều cây cổ thụ với tuổi thọ trên 50 năm như xà cừ, sấu, đa..., tập trung ở các tuyến đường, phố: Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu… Theo quy định, Sở Xây dựng là cơ quan giúp thành phố thống nhất quản lý cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn Hà Nội. Việc bảo vệ cây xanh được thực hiện theo Quyết định 19/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, trong đó quy định chi tiết về trách nhiệm của các đơn vị như Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị được thành phố đặt hàng... Quyết định 19/2010/QĐ-UBND cũng có quy định chi tiết việc xử phạt hành vi xâm hại cây xanh; trách nhiệm xử phạt hành vi vi phạm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, như: Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội.

Là đơn vị nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc cây xanh trên địa bàn, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thường xuyên kiểm tra, theo dõi hệ thống cây bóng mát. Tuy nhiên, do không có thẩm quyền xử lý, nên khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu xâm hại cây xanh, công ty chỉ có báo cáo gửi các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Vậy nhưng trên thực tế, việc xử lý không dễ, tỷ lệ xử phạt các hành vi xâm hại cây xanh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cái khó của cơ quan quản lý ở chỗ: Phải bắt được quả tang đối tượng vi phạm, lập biên bản, đối tượng ký vào biên bản mới xử phạt được. Trong khi đó, việc xâm hại cây xanh thường diễn ra âm thầm, bất kể ngày đêm với nhiều cách thức...

Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 15-1-2018, trong đó có quy định mức phạt cao nhất với hành vi “bức tử” cây xanh lên tới 30 triệu đồng. Nhiều người cho rằng, nếu quy định này được thực thi nghiêm túc, hiệu quả thì sẽ hạn chế được tình trạng xâm hại cây xanh. Thiết nghĩ, nhằm bảo vệ cảnh quan, giữ "lá phổi xanh" cho đô thị, bên cạnh xử lý các hành vi vi phạm, thì mỗi người dân cần có trách nhiệm chung tay bảo vệ cây xanh.

Dạ Khánh