Xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt thành sản phẩm du lịch độc đáo

Du lịch - Ngày đăng : 16:29, 31/03/2018

(HNMO) - Ngày 31-3, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam” do Hiệp hội du lịch Việt Nam và Hội di sản văn hoá Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo, đa số ý kiến các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có một nền ẩm thực được ưa chuộng trên thế giới, tuy nhiên, làm thế nào để phát huy, xây dựng một thương hiệu Việt Nam trở thành một “đặc sản” thu hút khách du lịch thì còn phải có chiến lược rõ ràng và lâu dài.


Ẩm thực chính là di sản văn hoá

Việt Nam là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, độc đáo và được ưa chuộng, như phở, bún chả, nem,… - đã được thừa nhận là những món ngon, độc đáo hàng đầu thế giới và không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến ăn phở ở quán phở 2000, TP HCM (năm 2000), hoặc Tổng thống Obama đến ăn bún chả ở Hà Nội (năm 2016), đã làm cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ngay từ thuở đầu dựng nước, truyền thuyết "bánh chưng bánh dày" đã khẳng định nguyên lý của ẩm thực Việt Nam là cân bằng âm dương và ngũ hành tương sinh, nhờ vậy mà món ăn Việt Nam trông đơn giản nhưng vẫn đạt đến độ tinh tế và vẻ đẹp hài hòa. Chính những nguyên lý đó đã đưa ẩm thực Việt Nam tồn tại lâu dài, phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi trên thế giới.

Bún chả của Việt Nam được nhiều du khách ưa chuộng.


Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, ẩm thực Việt Nam luôn gắn bó với sự phát triển của dân tộc, do vậy, ẩm thực Việt Nam rất phong phú và độc đáo. Các món ăn của người Việt được xây dựng trên nền tảng thực phẩm giản dị, bình dân nhưng rất tinh tế, thanh đạm và hài hòa của các loại gia vị.

Ông Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: “Bản sắc ẩm thực Việt Nam gắn với vùng miền, tộc người và tôn giáo, dưới tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử và giao lưu văn hóa. Bản sắc đó phản ánh đậm nét trong các đặc sản ẩm thực, tức trong món ăn, đồ uống, cách thức và những câu chuyện liên quan đến ăn uống. Đây chính là cơ sở vững chắc để phát triển du lịch ẩm thực”.

Cần phải có chiến lược lâu dài


Theo Hội lữ hành ẩm thực thế giới, hiện có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch. Còn báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực lại cho rằng, có 87% số tổ chức được điều tra xác định, du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng, du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, du lịch ẩm thực là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nguyên nhân thứ 3, chỉ sau yếu tố văn hoá, điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng quyết định đến điểm đến của du khách. Vì vậy, ngoài việc bảo tồn và phát triển thương hiệu ẩm thực Việt, việc phát triển loại hình du lịch ẩm thực là rất bức thiết.

Để xây dựng thương hiệu ẩm thực và phát triển du lịch ẩm thực ở Việt Nam thời gian tới, cần điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030, đồng thời chuẩn bị xây dựng chiến lược kế tiếp. Theo đó, cần đưa du lịch ẩm thực trở thành một loại hình du lịch ở nước ta. Mặc dù ẩm thực thuộc một phạm trù văn hóa, song do tính đặc thù và hữu ích của nó nên cần tách thành loại hình riêng, không nằm trong du lịch văn hóa. Tuy nhiên, để du lịch ẩm thực phát triển, còn cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp. Ngoài ba trung tâm ẩm thực lớn là Hà Nội, Huế, TP HCM, cần chú trọng giá trị của ẩm thực vùng, kết hợp với ẩm thực tộc người và tôn giáo, để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ẩm thực cho thích hợp. Về ẩm thực vùng, có thể gắn với 7 vùng văn hóa.


Ông Vương Xuân Tình cũng cho rằng, để phát triển du lịch ẩm thực, cần nâng cao nhận thức xã hội về du lịch ẩm thực, trong đó chú trọng nghiên cứu, đào tạo và truyền thông; cần có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực Việt Nam; xây dựng bộ môn du lịch ẩm thực ở một số trường đại học, cao đẳng và viện, trung tâm nghiên cứu liên quan; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch Việt Nam.

Để khai thác và phát triển du lịch ẩm thực, không chỉ khuôn bó trong vấn đề món ăn, thức uống, nhà hàng, hội chợ mà cần lưu ý cả nguồn gốc ẩm thực, việc sản xuất ẩm thực; các khía cạnh về lịch sử, nghi lễ, ứng xử liên quan đến ẩm thực.

Giáo sư Đặng Văn Bài cho biết: “Ẩm thực cũng là di sản văn hóa quyết định sự sinh tồn của chúng ta. Trong dịch vụ thì ẩm thực đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của du lịch. Do đó, một số biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững đó là: Thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; tư liệu hóa di sản văn hóa âm thực; đưa di sản văn hóa ẩm thực vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đưa di sản văn hóa ẩm thực vào các thiết chế văn hóa, phục vụ du lịch; xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực - điểm đến du lịch; phối hợp liên ngành, hợp tác giữa các thành phần liên quan”.

Ngoài ra, cần tìm ra được những món ăn đặc trưng nhất để quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới; xây dựng trung tâm bảo tồn để phát triển ẩm thực; chọn địa điểm phù hợp để phát triển ẩm thực truyền thống của địa phương.

Tuyết Minh