Bác sĩ Singapore ghép giác mạc kỹ thuật mới cho 3 bệnh nhân nghèo người Việt

Sức khỏe - Ngày đăng : 21:29, 31/03/2018

(HNMO) - Ngày 31-3, Bệnh viện FV (TP Hồ Chí Minh) phối hợp cùng các chuyên gia từ Trung tâm mắt Quốc gia Singapore thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc bằng phương pháp mới miễn phí cho 3 bệnh nhân nghèo ngụ tại các tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư - bác sĩ Jod Mehta tặng hoa cho một bệnh nhân Việt Nam được ông ghép giác mạc trước đây.


Các bệnh nhân may mắn được chọn phẫu thuật ghép giác mạc miễn phí trong năm 2018 gồm Trần Thị Phương Thanh (15 tuổi, Bạc Liêu), Nguyễn Thị Hồng Thắm (24 tuổi, Tiền Giang), Phạm Văn Qúy (54 tuổi, TP Hồ Chí Minh).

Phẫu thuật ghép giác mạc kỹ thuật cao từ chuyên gia Singapore hoàn toàn miễn phí được chia thành 2 đợt phẫu thuật, trong đó, bệnh nhân Phạm Văn Qúy được phẫu thuật trong ngày 31-3-2018, hai bệnh nhân còn lại sẽ được phẫu thuật vào tháng 7-2018. Đích thân chuyên gia ghép giác mạc Jod Mehta của Trung tâm mắt Quốc gia Singapore sẽ thực hiện các ca phẫu thuật này.

Phát biểu tại họp báo, Phó Giáo sư - bác sĩ Jod Mehta cho biết, một trong những vấn đề của các bệnh nhân mắc bệnh về giác mạc ở Việt Nam, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và châu lục khác, là viêm nhiễm và khí hậu. Bệnh nhân bị viêm giác mạc được bác sĩ cấp thuốc kháng sinh, điều trị hết bệnh nhưng tỉ lệ tái bệnh lại cao. Nhiều bệnh nhân bị viêm nhiễm nhưng để lâu không điều trị nên để lại sẹo ở giác mạc.

Trước đây, khi phẫu thuật giác mạc, phải mổ và thay thế hoàn toàn giác mạc, tuy nhiên, với kỹ thuật mới, chỉ cần thay thế những phần giác mạc bị tổn thương. Những lớp giác mạc nào khỏe mạnh thì vẫn được giữ lại. Việc này giúp giảm nguy cơ đào thải xuống mức thấp nhất, và tuổi thọ của giác mạc kéo dài hơn rất nhiều. Đây là những kỹ thuật mới, tỷ lệ thành công rất cao (hơn 95%), tỷ lệ đào thải gần như bằng không so với phương pháp truyền thống.

Theo chuyên gia Singapore, thời gian hồi phục kỹ thuật ghép giác mạc mới cũng rất nhanh, chỉ khoảng 1 đến 3 tháng là bệnh nhân có thể nhìn thấy khá rõ mọi vật. Với phương pháp truyền thống thì bệnh nhân phải mất đến 2 năm. 

Tuệ Diễm