Không chủ quan khiến học sinh bị thiệt thòi

Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:10, 31/03/2018

(HNM) - Từ ngày 1-4, hơn 79 nghìn học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018.

Tại hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng diễn ra hôm qua 30-3, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại yêu cầu các nhà trường nghiêm túc tổ chức tập huấn cho giáo viên về các nội dung của quy chế, không để xảy ra tình trạng giáo viên chủ quan, không thuộc quy chế khiến học sinh bị thiệt thòi.


Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong ảnh: Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Nhật Nam


Khắc phục sai sót không đáng có

Với mục tiêu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa tạo căn cứ để đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng, kỳ thi THPT quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với học sinh. Việc cập nhật thông tin, quy định về kỳ thi và hướng dẫn, hỗ trợ học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi là nhiệm vụ mà các trường không thể lơ là. Tuy vậy, theo đánh giá sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, không ít đơn vị vẫn chủ quan, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này, gây phiền phức cho các bộ phận liên quan, khiến học sinh bị thiệt thòi, thậm chí có nguy cơ từ đỗ thành trượt.

Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) dẫn chứng: Kết quả kiểm tra hồ sơ cho thấy có học sinh trường nằm ở khu vực quận Ba Đình, Cầu Giấy lại “tích” khu vực ưu tiên là “khu vực 1”; học sinh ở Chương Mỹ, Hoài Đức “tích” khu vực ưu tiên là “khu vực 2 nông thôn”... Cũng có trường hợp thí sinh thuộc diện được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng nhà trường nhất định yêu cầu phải đăng ký... Điều đó cho thấy chính các thầy, cô giáo chưa thuộc quy chế nên hướng dẫn học sinh làm sai quy định, khiến các em lo lắng, phụ huynh bức xúc. Việc điều chỉnh thông tin đòi hỏi phải trải qua nhiều khâu, mất thời gian của cả học sinh và những người có liên quan.

Ông Bùi Quang Thái khẳng định: Hà Nội không có “khu vực 2 nông thôn” mà chỉ có “khu vực 2”, gồm các trường nằm trên địa bàn các huyện. Tại Hà Nội chỉ có một số xã khó khăn thuộc huyện Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất được quy định là “khu vực 1”. Cũng theo ông Bùi Quang Thái, học sinh thuộc diện miễn thi ngoại ngữ đương nhiên được điểm 10 môn này trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Chỉ trong trường hợp các em có đăng ký vào trường đại học, cao đẳng có xét tuyển môn ngoại ngữ thì mới cần đăng ký thi.

Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã “nhặt sạn” kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, trong đó có hiện tượng cử cán bộ không đủ năng lực đi tập huấn công tác thi; nhận hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đủ điều kiện dự thi; cá biệt có trường hợp cử người này đi tập huấn nhưng để người khác làm thay, dẫn đến sai sót không đáng có. Để tránh tình trạng này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại yêu cầu các hiệu trưởng phải tổ chức cho giáo viên học tập quy chế thi, tuyệt đối không để tình trạng giáo viên chưa thuộc quy chế tham gia làm thi và hướng dẫn học sinh làm hồ sơ.

Không xếp lớp theo bài thi tổ hợp

Ngoài việc hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi, đây cũng là thời điểm các nhà trường bước vào giai đoạn nước rút trong việc tổ chức dạy học, ôn tập phục vụ kỳ thi THPT quốc gia. Ông Dương Công Thịnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) yêu cầu các trường tuân thủ kế hoạch thời gian năm học, thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình, chú ý bám sát chuẩn kiến thức và kỹ năng môn học.

Trước thông tin phản ánh một số trường cắt xén, dồn nội dung để tập trung cho một số môn học lớp 12, ông Dương Công Thịnh nhấn mạnh: Các nhà trường không được cắt xén chương trình, không được xếp lớp theo bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân); thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh; có giải pháp ôn tập hiệu quả cho từng nhóm đối tượng học sinh, dành thời gian cho học sinh tự học, quan tâm hỗ trợ học sinh yếu, kém. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học và công tác ôn tập tại các nhà trường, nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm khắc xử lý. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động tại đơn vị.

Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng phạm vi kiến thức trong đề thi tới chương trình lớp 11 chứ không chỉ ở lớp 12 như mọi năm, nên việc phổ biến, tổ chức ôn tập cho học sinh những nội dung liên quan là yêu cầu quan trọng đối với các trường THPT. Để bảo đảm hiệu quả ôn tập, tránh dàn trải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ôn tập cho kỳ thi năm 2017 để có kế hoạch phù hợp; chú ý các nội dung kiến thức đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, đồng thời quan tâm hỗ trợ học sinh nâng cao mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức để bài thi đạt kết quả cao.


Thời gian làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 của học sinh cả nước kéo dài từ ngày 1-4 đến hết 20-4. Sau thời gian này, học sinh không được thay đổi thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.

Thống Nhất