Viettel mở đầu cho cuộc cách mạng bỏ cước roaming
Kinh tế - Ngày đăng : 16:59, 01/04/2018
Trụ sở Unitel. |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS) vào chiều 30-3, đã có các phiên thảo luận chuyên đề với ba chủ đề chính: Phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng; Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS; GMS và thương mại toàn cầu.
Hạ tầng đi trước một bước
Tại phiên thảo luận chuyên đề phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng, các đại biểu tập trung giải quyết những câu hỏi đặt ra như: Chính phủ cần làm gì để khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng; Cơ chế tài chính khả thi cho các dự án hạ tầng; Đổi mới đối tác công tư để phát triển cơ sở hạ tầng...
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng trong các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có cơ sở hạ tầng phát triển thì Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam có hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.
“Nền kinh tế chỉ có đủ điều kiện phát triển khi có hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi, đồng bộ. Vì vậy, Việt Nam nhất quán từ cấp trung ương đến địa phương, dành nhiều nguồn lực và ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế” - ông Nguyễn Văn Thể nói. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ mong muốn các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư… sẽ cùng đồng hành giúp Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng.
Đồng tình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Viettel (Viettel) Lê Đăng Dũng đã có bài trình bày trong đó nhấn mạnh viễn thông có tầm quan trọng không thể phủ nhận đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Ông Dũng cho biết Viettel còn tạo ra một cuộc cách mạng về giá cước viễn thông quốc tế khi khách hàng Viettel tại ba nước này liên lạc với nhau có mức cước chuyển vùng quốc tế (roaming) tương đương mức cước trong nước. Viettel sắp tới cũng sẽ khai trương ở Myanmar, cam kết sẽ có giá cước roaming với ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam tương đương mức cước nội địa.
Ông Lê Đăng Dũng bày tỏ hy vọng, tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS6 lần này, lãnh đạo các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong sẽ cùng thảo luận để có thể tạo điều kiện hướng tới một khu vực “kết nối phẳng” về viễn thông, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn vùng.
“Cước phẳng” – khó cho nhà mạng, lợi cho đất nước
Trên thực tế, ý tưởng bỏ cước roaming trong các khu vực để người dân, doanh nghiệp trong các khối kinh tế được hưởng lợi và thúc đẩy kết nối tăng trưởng kinh tế đã được bàn thảo khá lâu tại nhiều khu vực trên thế giới. Đến năm 2013, Bộ trưởng Công nghệ thông thông tin và Truyền thông các nước ASEAN chính thức thảo luận về chính sách miễn cước roaming để tiến tới mở rộng áp dụng cho các dịch vụ kết nối khác trong khu vực.
Thời điểm đó, Bộ trưởng Công nghệ thông thông tin và Truyền thông Indonesia Tifatul Sembiring chia sẻ: “Mục tiêu là công dân ASEAN không cần phải trả phí chuyển vùng, khi thực hiện cuộc gọi trong phạm vi các nước ASEAN. Chính sách sẽ làm lợi cho người dân ASEAN nhờ chi phí liên lạc rẻ hơn. Hy vọng việc tạo ra khu vực “cước phẳng” sẽ được tiến hành từ năm 2014”.
Viettel góp phần để mọi người dân Việt Nam đều sử dụng được dịch vụ viễn thông |
Tuy nhiên, ý tưởng trên mới chỉ dừng lại ở thảo luận vì trở lực nguồn lợi của các nhà mạng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đại diện nhà mạng StarHub (Singapore) nhìn nhận còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của đề nghị này và “chưa có tiền lệ về việc miễn phí cước chuyển vùng trên thế giới”. Còn ông Markus Steingrover – Giám đốc hãng nghiên cứu Detecon Châu Á - Thái Bình Dương lập luận mục tiêu như vậy là “quá tham vọng” vì ngay cả Châu Âu cũng chưa đưa ra yêu cầu nào như vậy.
Giới chuyên môn tích cho rằng, việc bỏ cước roaming sẽ thúc đẩy kết nối cho các khối kinh tế, nhưng nhà mạng có thể sẽ bị sụt giảm doanh thu mạnh khi thực thi chính sách này. Đây được xem như lực cản lớn cho mục tiêu tăng trưởng của các khối kinh tế.
Khi Viettel dẫn đầu bỏ cước roaming
Bỏ cước roaming vẫn là sự e ngại của nhiều khu vực kinh tế nhưng từ 1-1-2017, Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên trên thế giới áp dụng cho khách hàng mức cước liên lạc gồm cuộc gọi, tin nhắn và lướt web giữa mạng Viettel (Việt Nam) - Metfone (Campuchia) - Unitel (Lào) như mức cước trong nước.
Từ đó, khách hàng của Viettel khi di chuyển trong ba nước Đông Dương sẽ được giảm tới hơn 13 lần giá cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 160 lần giá cước data, cước tin nhắn giảm gần 10 lần. Đại diện Viettel cho biết tính đến thời điểm này, chưa có khối kinh tế nào tiến hành bỏ cước roaming.
“Viettel thực hiện chính sách bỏ cước roaming giữa 3 nước Đông Dương, cái được lớn nhất là thể hiện tình cảm thiết thực, thân thiện, gần gũi của 3 nước láng giềng và thúc đẩy tam giác kinh tế. Người dân sẽ liên lạc với nhau nhiều, thúc đẩy việc giao thương của người dân và doanh nghiệp giữa các nước Đông Dương” - đại diện Viettel chia sẻ.
Mạng Metfone tại Combodia |
"Bên cạnh đó, Viettel đã thiết lập hội nghị truyền hình trực tuyến giữa Thủ tướng của ba nước, đáp ứng nhu cầu điều hành, trao đổi, xử lý thông tin thường xuyên giữ ba Thủ tướng. Hội nghị truyền hình trực tuyến đã tạo sự hợp tác rất mạnh mẽ của người đứng đầu chính phủ ba nước" - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phạm Tất Thắng ghi nhận Viettel không chỉ khẳng định được vị trí ở thị trường trong nước mà đã mở rộng đầu tư và phát triển công nghệ tại nhiều quốc gia, trong đó có ba nước Đông Dương và góp phần phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Cùng với đó, chính sách đưa cước chuyển vùng quốc tế giữa 3 nhà mạng do Viettel đầu tư tại Việt Nam, Lào và Campuchia về ngang bằng với cước gọi nội địa đã đưa ba quốc gia Đông Dương vào “thế giới phẳng” trong viễn thông, tạo động lực quan trọng thúc đẩy việc giao lưu kinh tế - thương mại, văn hóa, du lịch đồng thời thắt chặt mối quan hệ láng giềng gắn bó trong khu vực.