Hiến tạng - còn nhiều rào cản!

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:28, 02/04/2018

(HNM) - Tuần qua, Bộ Y tế truy tặng “Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân” cho Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, ở Ninh Bình) - người đã hiến đa tạng đem lại sự hồi sinh cho 6 bệnh nhân.

“Khoảng trống” pháp lý

Quyết định hiến một quả thận cho cháu gái, bà L.T.T.H. (55 tuổi ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) phải vào viện thực hiện các xét nghiệm trước khi tiến hành hiến tạng. Tại đây, bà H. được biết, người hiến tạng phải chi trả toàn bộ thủ tục làm các xét nghiệm xác định đủ điều kiện được hiến tạng hay không theo quy định (khoảng 17 triệu đồng)...

Cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ người hiến tạng thực hiện các xét nghiệm. Ảnh: Thái Hiền


Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho rằng, đây là rào cản đối với người hiến tạng. Bởi để thực hiện được nghĩa cử nhân văn cao đẹp, tất yếu người hiến tạng phải qua một loạt các xét nghiệm y học nghiêm ngặt, chặt chẽ và tốn kém để bảo đảm tính tương thích, hòa hợp giữa người hiến và người ghép.

Tuy nhiên, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Luật Bảo hiểm y tế chưa đề cập đến vấn đề chi phí xét nghiệm khám sàng lọc cho người hiến tặng mô, tạng khi còn sống. Do đó, các bệnh viện cũng chưa có cơ sở để thanh toán. Người hiến sẽ phải tự chi trả chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp…

“Không chỉ cần có chính sách chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm cho người hiến tặng mô, tạng mà cần có chính sách bảo trợ sức khỏe cho họ trọn đời”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Ngành Y tế chủ yếu khuyến khích việc hiến tạng từ bệnh nhân chết não. Trong số bệnh nhân được ghép tạng hiện nay, chủ yếu nguồn cung đều từ người thân và người chết não. Tuy nhiên, tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) đã ghi nhận 5 trường hợp tự nguyện hiến thận khi còn sống cho những người bệnh không phải họ hàng, người thân của mình.

Với những trường hợp này, nếu theo đúng quy định, họ sẽ phải bỏ tiền để làm hàng loạt các xét nghiệm chuyên sâu rồi mới được hiến thận. Thế nhưng, lãnh đạo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã bỏ kinh phí, thậm chí vận động và kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để chi trả kinh phí xét nghiệm cho những trường hợp trên.

Nhận thấy đây là “khoảng trống” pháp lý trong vấn đề hiến, ghép mô, tạng hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, với các trường hợp tự nguyện hiến tạng sau khi bị chết não sẽ không phải mất bất cứ chi phí nào. Thế nhưng, với quy định, trường hợp tự nguyện hiến tạng khi còn sống sẽ phải chi trả chi phí xét nghiệm lại gây thiệt thòi cho những người thực tâm muốn hiến tạng, không vụ lợi.

Từ thực tiễn trên, theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, từ khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (có hiệu lực ngày 1-7-2007) cho đến nay, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý quan trọng cũng tồn tại những bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Cần có chế độ, chính sách phù hợp

Câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời vì bệnh nặng đã lay động trái tim của hàng triệu người. Trước khi bé Hải An qua đời, gia đình bé đã liên lạc với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người với mong muốn, hiến tặng tạng của bé cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng.

Thế nhưng, theo Điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định, người đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. Chính vì vấn đề pháp lý nên Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người không thể tiếp nhận tạng hiến tặng từ bé Hải An.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng, từ thực tiễn thời gian qua, nếu một người trước 18 tuổi (chưa đủ tuổi đăng ký hiến tạng), không may bị chết não mà họ đã có ý nguyện mong muốn được hiến tạng và gia đình xác nhận chuyện đó, đồng ý thì chúng ta nên tiếp nhận. Hiện một số nước trên thế giới đã thực hiện việc tích hợp thẻ hiến tạng trong bằng lái xe với các thông số về sức khỏe. Điều đó giúp mọi người thêm cơ hội lựa chọn, thêm cơ hội đăng ký hiến tạng mô, tạng mà không nhất thiết phải đến các bệnh viện...

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả nhất cho người bệnh bị suy hay hỏng mô, tạng không thể phục hồi. Và một người mất đi nếu hiến tạng có thể cứu được 6-8 người. Để có thêm nhiều người hiến tạng, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền để người dân hiểu biết và ủng hộ, cũng cần có chế độ, chính sách phù hợp và thỏa đáng đối với người hiến tạng.

Thu Trang