4 bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:01, 02/04/2018
Ung thư vú
Giống như nhiều nước trên thế giới, ở nữ giới Việt Nam bị ung thư vú vẫn phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc là 23 trên 100.000 người. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với tỷ lệ hơn 90%. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi.
Từ 25 tuổi trở lên, chị em nên có thói quen tự khám vú hàng tháng sau sạch kinh 5 ngày, nếu có bất thường thì nên đi khám chuyên khoa. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên định kỳ chụp X-quang tuyến vú, khám vú tại cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm một lần. Những người có nguy cơ cao như có mẹ, chị em gái, con gái mắc ung thư vú ở tuổi trẻ thì bắt đầu chụp X-quang tuyến vú ở tuổi 30.
Theo thạc sĩ Tạ Văn Trình, Bệnh viện K (Hà Nội), chị em nên đi khám khi thấy có các triệu chứng sau: Sờ thấy khối u vú; một bên vú dày hơn bên kia; tụt núm vú; da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường; thay đổi màu sắc trên da của vú; chảy dịch một bên vú, khi chảy dịch máu thì 80% có khả năng ung thư; đau hoặc đỏ vú; hạch nách hoặc hố thượng đòn.
Hướng dẫn cách tự khám vú tại nhà
Ung thư đại trực tràng
Đây là ung thư đứng thứ hai trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ với khoảng hơn 6.000 ca mắc mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, số phụ nữ được phát hiện ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên hơn 11.000.
Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí khối u và mức độ xâm lấn ra xung quanh, mức độ lan ra toàn cơ thể. Phần lớn biểu hiện của bệnh không đặc trưng nên thường không nghĩ đến ung thư.
Triệu chứng bao gồm tại chỗ, toàn thân và khi di căn. Người bệnh có thể thấy đi ngoài phân lỏng, táo bón không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết; đi ngoài phân nhầy lẫn máu, hoặc đi ngoài phân đen nếu u giai đoạn đầu của đại tràng. Ngoài ra họ có thể bị thiếu máu, người mệt mỏi xanh xao; gầy sút cân, ăn kém, sốt không rõ nguyên nhân.
Bệnh có thể sàng lọc sớm bằng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, nội soi toàn bộ đại tràng, thăm khám trực tràng bằng tay. Mọi người dân từ 50 tuổi trở lên cần thực hiện xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, nội soi toàn bộ đại tràng mỗi năm một lần. Những người có nguy cơ cao như tiền sử bản thân hoặc gia đình bị u tuyến, các hội chứng đa polyp hoặc ung thư đại trực tràng; các bệnh viêm ruột... nên làm xét nghiệm này và các biện pháp khác ở độ tuổi sớm hơn.
Ung thư cổ tử cung
Đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới nước ta với tỷ lệ mắc là 13,6 trên 100.000 dân. Ước tính đến năm 2020, số mắc tăng lên con số hơn 6.600 ca. Theo thạc sĩ Trình, nguyên nhân chính gây bệnh là nhiễm virus HP.
Từ 30 tuổi trở lên chị em nên đi khám sàng lọc, với nhóm nguy cơ cao thì nên bắt đầu từ tuổi 25. Ở tuổi 25-49 cách ba năm khám một lần, từ 50 tuổi trở lên thì cách 5 năm. Phụ nữ trên 65 tuổi có kết quả sàng lọc ba lần PAP test âm tính liên tiếp thì không cần sàng lọc tiếp. Riêng phụ nữ nhiễm HIV vẫn sàng lọc theo lịch.
Các triệu chứng cảnh báo bệnh là ra máu âm đạo bất thường; chảy dịch âm đạo nhiều và hôi, đặc biệt khi dùng kháng sinh không đỡ; đau khi giao hợp; tiểu tiện nhiều lần; đau hạ vị, thắt lưng hoặc chậu hông.
Ung thư phổi
Là một trong những loại ung thư khó phát hiện sớm, ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 5.700 ca mắc ung thư phổi là nữ giới.
Bệnh khó phát hiện ở giai đoạn sớm khi không có triệu chứng. Khi bệnh đã phát triển, người bệnh có biểu hiện ho, ho ra máu, thở khò khè hoặc khó thở; sụt cân, mệt mỏi, chán ăn. Khi khối u xâm lấn vào các cấu trúc lân cận, người bệnh có thể bị đau ngực, đau xương, khó nuốt, khàn tiếng...
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là không hút thuốc lá, thuốc lào. Những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc) có thể làm các xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu tìm một số chất chỉ điểm khối u (CEA, cifra 21-1, SCC...) và chụp X-quang phổi hàng năm.