Toan tính chiến lược ở Syria

Thế giới - Ngày đăng : 05:45, 02/04/2018

(HNM) - Trong bối cảnh biện pháp quân sự đang dần được thay thế bằng giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bất ngờ tiết lộ mong muốn sớm rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này...

Ý định rút quân khỏi Syria được Tổng thống Mỹ D.Trump đưa ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này đang bước vào giai đoạn then chốt.


Ý định rút quân được Tổng thống D.Trump nêu trong bài phát biểu tại bang Ohio, với lý do các lực lượng đồng minh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tổng thống D.Trump nhận định, toàn bộ vùng lãnh thổ mà nhóm khủng bố IS đang còn chiếm giữ, trải dài từ Iraq tới Syria sẽ sớm được giải phóng, không chỉ nhờ các lực lượng Iraq, chính quyền Syria cùng các đồng minh của họ là Nga và Iran, mà còn nhờ liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, các đồng minh Ả Rập và người Kurd. Trước đó, nhà lãnh đạo xứ Cờ hoa đã ngầm đề cập tới ý định này hồi tháng 2 khi cho rằng sự hiện diện của Mỹ tại Syria là để “đánh bại IS và trở về nhà”.

Có thể nói, tuyên bố của Tổng thống D.Trump hoàn toàn nhất quán với chính sách “Nước Mỹ hàng đầu” mà nhà lãnh đạo này đề ra và theo đuổi ngay từ chiến dịch tranh cử. Cũng trong bài phát biểu tại Ohio, ông chủ Nhà Trắng khẳng định việc Mỹ cần làm hiện nay là bảo vệ các đường biên giới của quốc gia, đồng thời hứa hẹn sẽ tập trung nguồn chi tiêu trong tương lai vào việc tạo thêm việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Không lâu sau khi bày tỏ ý định rút quân, Tổng thống D.Trump đã đóng băng khoản tài trợ trị giá hơn 200 triệu USD cho các hoạt động tái thiết ban đầu ở Syria, trong bối cảnh Washington đang đánh giá lại vai trò của nước này trong cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông.

Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống D.Trump đang khiến giới chức an ninh Mỹ lo ngại rằng, việc rút quân sẽ không chỉ làm giảm uy tín của Mỹ trong khu vực mà còn có nguy cơ khiến xung đột tiếp tục leo thang tại Syria. Nhiều quan chức Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc không hề nhận được thông tin gì từ Nhà Trắng kể từ sau phát ngôn của Tổng thống.

Cách đây chưa đầy 2 tháng, tại hội nghị của liên minh toàn cầu chống IS, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Rex Tillerson cho biết Mỹ vẫn sẽ duy trì sự hiện diện tại Syria cho tới khi IS bị đánh bật hoàn toàn. Cựu quan chức ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho rằng Washington không nên mắc cùng một sai lầm của năm 2011 khi quyết định rút quân quá sớm khỏi Iraq, tạo cơ hội cho mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda trỗi dậy và sau đó là sự xuất hiện của IS.

Hầu hết các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng khoảng trống do Mỹ tạo ra nếu rút khỏi Syria sẽ nhanh chóng được Nga lấp đầy, trong bối cảnh Mátxcơva đang ngày càng thể hiện rõ vai trò trong các tiến trình hòa bình tại khu vực. Ngoài ra, nếu Mỹ rút lực lượng tại căn cứ At Tanf ở phía Đông Nam Syria, Iran có thể bảo đảm nắm quyền kiểm soát tuyến đường bộ từ Sheikh đến Tehran và tiếp tục gia tăng ảnh hưởng tại khu vực láng giềng.

Cùng với Nga và Iran, chính quyền Syria sẽ hưởng lợi khi lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đối lập không còn nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ và nhiều khả năng sẽ không thể giữ được quyền kiểm soát các mỏ dầu vốn mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn. Trong khi đó, SDF tuyên bố cho đến nay không hề nhận được bất kỳ thông báo nào về kế hoạch rút quân của Mỹ ra khỏi Syria.

Vốn nổi tiếng với nhiều động thái và phát ngôn khó đoán định, dư luận trong và ngoài nước vẫn đang chờ đợi những toan tính chiến lược tiếp theo của Tổng thống Mỹ D.Trump đối với Syria, khi tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này đang bước vào giai đoạn then chốt.

Minh Hiếu