Phát huy vai trò của lực lượng quản lý đê nhân dân
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 02/04/2018
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, trên địa bàn huyện có 9,7km đê hữu Đà và 26,58km đê hữu Hồng chạy qua 15 xã, thị trấn. Để bảo vệ các tuyến đê, 14 xã, thị trấn đã tuyển chọn, ký hợp đồng với 14 lao động. Riêng xã Châu Sơn, do chỉ có 790m đê hữu Hồng nên huyện không thành lập tổ quản lý đê nhân dân mà giao cho xã Tản Hồng đảm nhiệm.
Tương tự, 13 xã, thị trấn của huyện Ứng Hòa hiện đã ký hợp đồng với 13 người đảm nhận nhiệm vụ quản lý hơn 36km đê tả Đáy. Huyện Đông Anh giao 11 xã, thị trấn ký hợp đồng với 12 người trong độ tuổi lao động, không thuộc biên chế nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý đê… Hiện nay, đã có 19/26 quận, huyện, thị xã đã thành lập tổ quản lý đê nhân dân, với tổng số 156 nhân viên.
Theo đánh giá của các quận, huyện, thị xã, nhờ có lực lượng này mà nhiều sự cố, hành vi xâm hại công trình đê điều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời… Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Long Biên và 4 huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Sóc Sơn vẫn chưa thành lập được tổ quản lý đê nhân dân.
Ông Nguyễn Bách Lợi, Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai lý giải, theo quy định của thành phố, nhân viên quản lý đê phải có trình độ thấp nhất là trung học phổ thông, nằm trong độ tuổi lao động, được hưởng thù lao hằng tháng hệ số từ 0,6 đến 0,8 mức lương tối thiểu. Vì thu nhập thấp, không bảo đảm đời sống nên người có đủ tiêu chuẩn thì không tham gia tuyển chọn và ngược lại.
Với lý do trên, 7 quận, huyện chưa thành lập tổ quản lý đê nhân dân, đề nghị UBND thành phố cho phép các xã, phường, thị trấn sử dụng lao động hợp đồng quản lý đô thị, đất đai, trật tự xây dựng kiêm nhiệm quản lý đê…
Theo ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý đê, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), do TP Hà Nội có số lượng lớn công trình đê điều, đi qua hơn 200 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã nên việc quản lý, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều gặp nhiều khó khăn nếu chỉ dựa vào lực lượng quản lý đê chuyên trách. Vì vậy, việc thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân ở các địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, do hoạt động của nhân viên quản lý đê nhân dân có tính chất thường xuyên, liên tục nên đề xuất cho phép các lực lượng khác kiêm nhiệm là không phù hợp.
Bên cạnh đó, một số xã, phường, thị trấn mặc dù đã thành lập tổ quản lý đê nhân dân nhưng hiệu quả hoạt động không cao. Nguyên nhân là quy định về thẩm quyền lập biên bản và xử lý vi phạm công trình đê điều còn bất cập. Một số nhân viên quản lý đê chưa hiểu đầy đủ về trách nhiệm và quyền hạn của mình…
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT quy định cụ thể thẩm quyền lập biên bản và ngăn chặn các hành vi vi phạm đê điều; đồng thời, điều chỉnh chế độ ưu đãi cho lực lượng này. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho họ. Đặc biệt, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện thu đúng, thu đủ Quỹ Phòng, chống thiên tai để bổ sung nguồn kinh phí chi trả thù lao cho lực lượng này…