Vượt "chướng ngại vật" để tăng tốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:53, 03/04/2018
Có thể thấy, sau 1/4 chặng đường của năm 2018, kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phát triển thuận lợi, các lĩnh vực đều tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, GDP quý I tăng cao nhất trong 10 năm qua, đạt mức 7,38% (gần bằng mức tăng trưởng 7,56% của quý IV-2017). Đây là điều hiếm thấy trong tăng trưởng ở nước ta và là sự tiếp nối kỳ tích của năm 2017 với dấu ấn của Chính phủ hành động, kiến tạo. Cũng dễ nhận thấy sự đóng góp của các khu vực trụ cột của nền kinh tế, nổi bật là công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu có bước đột phá, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh; chuyển đổi cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản phát huy hiệu quả.
Về tổng thể, bức tranh chung tình hình kinh tế của quý I cho thấy, tăng trưởng đang dần chuyển gam màu sáng sang chiều sâu, thể hiện ở sự cải thiện đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp, giảm dần phụ thuộc vào vốn và lao động, khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển vượt lên, khẳng định vai trò là một trụ cột trong nền kinh tế.
Cần khẳng định rằng, tăng trưởng bứt tốc và đạt được kết quả này là nhờ các giải pháp kịp thời và hiệu quả trong điều hành của Chính phủ, cũng như sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương thực hiện mục tiêu chung đã đề ra. Chính phủ đã bước đầu xây dựng thành công mô hình kiến tạo, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, rộng đường cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đã chỉ ra "chướng ngại vật" là những tồn tại, yếu kém để các thành viên Chính phủ tập trung làm rõ các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực mình quản lý. Điển hình như, việc thành lập mới doanh nghiệp tăng chậm lại; số lượng doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn còn cao; công nghiệp chế biến, chế tạo khó có thể duy trì tốc độ tăng cao vào những tháng cuối năm... Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển; cần cải cách gì về cơ chế chính sách như thuế, phí, tín dụng, đất đai, môi trường kinh doanh...để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp; môi trường đầu tư còn vướng rào cản nào, còn những gì không thuận?
Các bộ, ngành cần tập trung phân tích, đề xuất giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không thể chủ quan về vấn đề lạm phát. Hiện nay, thách thức lớn nhất là thế giới có những thay đổi về địa chính trị, chính sách thương mại. Trong khi đó, kinh tế trong nước còn không ít vướng mắc tồn tại do quá trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực cạnh tranh còn hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công chậm; thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân…
Để kích thích sản xuất, lúc này cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp chế biến sâu, phục vụ nông nghiệp; sản xuất nguyên liệu đầu vào và gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó là khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu; chủ động bám sát diễn biến thời tiết, dự báo chính xác hơn để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, bão, lũ...
2018 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ quyết định việc thực hiện mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, kết quả như thế nào phụ thuộc vào quyết tâm vượt "chướng ngại vật" để "tăng tốc" thành công của các bộ ngành, địa phương...