Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ: Chặng đường đầy gian truân

Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 03/04/2018

(HNM) - Sau 7 vòng tái đàm phán khá chật vật, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn đứng trước tương lai mơ hồ khi Mỹ liên tục đưa ra những quan điểm cứng rắn làm khó các đối tác Mexico và Canada.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: THX/TTXVN)


Trong một bước đi gần nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo về khả năng nước này sẽ rút khỏi NAFTA, trừ khi Mexico tiến hành các bước hiệu quả chống lại làn sóng di cư bất hợp pháp. Trên mạng xã hội Twitter, ông D.Trump nhấn mạnh: “Mexico đang làm rất ít, nếu không muốn nói là không làm gì trong việc ngăn chặn dòng người tràn vào Mỹ từ biên giới phía Nam". Đây không phải lần đầu tiên, ông chủ Nhà Trắng gay gắt về việc ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ quốc gia láng giềng Mexico. Ngay trong tuần đầu nhậm chức, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đưa ra sắc lệnh cho phép xây dựng một bức tường dọc biên giới phía Nam giữa Mỹ và Mexico. Theo ông D.Trump, Mỹ sẽ chịu chi phí xây bức tường và sau đó sẽ có cách đòi Mexico hoàn trả. Và cảnh báo lần này được đưa ra trong bối cảnh những chiến dịch ngăn chặn làn sóng nhập cư từ Mexico được cho là không phát huy hiệu quả.

Thực tế cho thấy, tình trạng nhập cư bất hợp pháp chỉ là một trong những vấn đề khiến quá trình đàm phán lại NAFTA theo yêu cầu của Mỹ rơi vào bế tắc. Tại vòng 7 tái đàm phán vừa kết thúc ở thủ đô Mexico City của Mexico, các bên đã hoàn tất thêm 3 chương mới. Ngoài ra, 3 nước cũng thống nhất thêm 6 chương về viễn thông, thương mại số, rào cản thương mại, năng lượng, doanh nghiệp và sở hữu nhà nước, dịch vụ tài chính, cũng như các phụ lục ngành liên quan tới hóa chất và lương thực. Đây được coi là bước tiến tích cực, song số chương đạt được đồng thuận cũng chỉ dừng ở con số 6/33. Những chủ đề còn bất đồng sâu sắc như: Quy định xuất xứ, điều khoản tự động hết hạn sau 5 năm và giải quyết tranh chấp thương mại... hầu như chưa tiến triển.

Nếu Mỹ rút khỏi NAFTA, đồng nghĩa với việc hiệp định thương mại tự do ba bên sẽ sụp đổ và thiệt hại gây ra khó có thể đong đếm. Kể từ khi chính thức có hiệu lực từ năm 1994, NAFTA đã giúp kim ngạch thương mại giữa Mỹ với Canada và Mexico tăng hơn 3 lần. Mexico và Canada hiện là quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Hai quốc gia láng giềng này cũng là những nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm của Mỹ.

Trong khuôn khổ NAFTA, ba quốc gia Bắc Mỹ không phải chịu thuế quan với hầu hết các loại hàng hóa trao đổi qua biên giới của nhau. Nếu Mỹ rút khỏi NAFTA, thuế quan mà Mexico và Canada áp lên hàng Mỹ có thể tăng đến 150%. Việc này sẽ khiến giá cả tăng vọt và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, thuế quan giữa Mỹ và Mexico sẽ về lại mức quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các mối liên kết thương mại NAFTA giúp giá hàng hóa Bắc Mỹ có thể cạnh tranh với đối thủ từ các trung tâm sản xuất lớn khác của thế giới như Châu Á và Châu Âu. Vậy nên, Mỹ rút khỏi NAFTA, tức là toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ bị đảo lộn.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán lại NAFTA lần thứ 8 sẽ bắt đầu vào ngày 8-4 tại Washington (Mỹ). Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, triển vọng đạt được NAFTA phiên bản 2.0 sẽ là chặng đường đầy gian truân.

Quỳnh Dương