Văn hóa ứng xử trong tranh biếm họa
Văn hóa - Ngày đăng : 13:32, 03/04/2018
Ứng xử đẹp và chưa đẹp qua lăng kính hài hước
Giải biếm họa năm nay mang chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”, các tác giả sẽ sử dụng bút pháp biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội ngày nay.
Chính vì thế, nội dung của cuộc thi tập trung vào các lĩnh vực: Văn hóa ứng xử nơi công cộng (đặc biệt là giao thông, lễ hội); văn hóa ứng xử nơi cơ quan, công sở (đặc biệt là ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, ứng xử trong bệnh viện, ứng xử trong học đường...) và văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam đánh giá về giải Biếm họa báo chí với chủ đề văn hóa ứng xử. |
Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC Giải thưởng cho biết, văn hóa ứng xử trong cộng đồng đang có những vấn đề nổi cộm, từ trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày, đến trong thái độ, hành vi ứng xử tại công sở, khi tham gia giao thông, tham dự lễ hội cho đến nền nếp chốn học đường hay cách hành xử trong thế giới mạng ảo…
“Chúng tôi không có tham vọng qua một cuộc thi biếm họa có thể xây dựng được những chuẩn mực "văn hóa ứng xử" của toàn xã hội nhưng chúng tôi hy vọng, thông qua tiếng cười của biếm họa, mỗi người có thể tự soi lại bản thân để có những sự điều chỉnh thích hợp”, Trưởng BTC cuộc thi khẳng định.
Với chủ đề văn hóa ứng xử, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định, đây là vấn đề “nóng” của xã hội hiện nay. Cuộc thi hướng tới việc xây dựng nếp sống đẹp, văn minh, vì thế bên cạnh những mặt tích cực với những hành động, ứng xử đẹp thì cũng cần có những phản ánh mang tính chiến đấu, đả kích những thói xấu, hình ảnh chưa đẹp để hướng tới những việc làm mang tính nhân văn hơn.
Theo BTC, đối tượng tham gia cuộc thi là họa sĩ biếm họa chuyên và không chuyên, cũng như mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Các tác phẩm đã được đăng báo hoặc sáng tác để đăng báo từ đầu năm 2018 đến 1-12-2018. Cuộc thi sẽ tổng kết và trao giải vào dịp cuối năm 2018. Các tác phẩm lọt vào chung khảo và đoạt giải sẽ được triển lãm vào cuối năm 2018, đầu năm 2019.
Triển lãm 96 năm biến họa báo chí Việt Nam
Sau lễ phát động cuộc thi, Ban tổ chức khai mạc triển lãm “96 năm biếm họa báo chí Việt Nam” nhằm tôn vinh các tác phẩm biếm họa tiêu biểu của Việt Nam được đăng báo từ năm 1922, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẽ tranh biếm họa trên báo Le Paria, đến nay.
Khai mạc triển lãm 96 năm tranh biếm họa báo chí Việt Nam. |
Triển lãm chia thành các giai đoạn với từng nội dung cụ thể: Từ 1922 - 1945; Biếm họa trong kháng chiến chống Pháp; Biếm họa trong kháng chiến chống Mỹ; Biếm họa thời đổi mới; Biếm họa ngày nay; và Tác phẩm biếm họa đoạt giải tại Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - cúp Rồng tre lần I, II, III, IV.
Các bức biếm họa đã phần nào khắc họa lịch sử tranh biếm họa Việt Nam từ năm 1922 đến nay. |
Triển lãm được tổ chức ngay tại sảnh ngoài của Trung tâm Thông tấn Quốc gia, tiếp giáp với vỉa hè phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã cung cấp cho người xem bức tranh toàn cảnh về lịch sử 96 năm của biếm họa báo chí Việt Nam, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu, từng được đăng tải trên nhiều tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Các tác phẩm không chỉ truyền đạt thông điệp mạnh mẽ về giai đoạn lịch sử Việt Nam qua từng thời kỳ mà còn mang ý nghĩa động viên, khích lệ thể loại biếm họa báo chí trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.