Hà Nội tổ chức giao ban công tác nội chính và phòng chống tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 08:39, 03/04/2018
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dự và chỉ đạo hội nghị. |
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy; lãnh đạo các cơ quan nội chính thành phố; đại biểu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã...
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Thế Toàn cho biết, trong quý I-2018, Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan khối Nội chính thành phố tiếp tục tham mưu cho Thành ủy duy trì và giữ vững ổn định an ninh; không để xảy ra các hoạt động gây rối an ninh chính trị, khủng bố, phá hoại.
Các cơ quan, đơn vị đã chủ động nắm chắc tình hình tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp, giải pháp phòng ngừa tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo trên địa bàn thành phố các dịp lễ, Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Kết quả điều tra khám phá vượt các chỉ tiêu đề ra, như: Phạm pháp hình sự đạt 84%, trọng án đạt 100%.
Công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, ma tuý, môi trường, công nghệ cao tiếp tục đạt mục tiêu, tiến độ đề ra. Trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị được bảo đảm. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép.
Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ liên quan đến các vụ án tham nhũng lớn được Trung ương ủy quyền, các cơ quan Nội chính thành phố đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Công an thành phố đã thụ lý điều tra 25 vụ, 64 bị can; đã có kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 8 vụ, 20 bị can; đang điều tra 17 vụ, 44 bị can khác. Toà án 2 cấp thuộc thành phố đã xét xử 11 vụ, 43 bị cáo về tội tham nhũng. Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, từ quý IV-2017 đến hết quý I-2018, UBND thành phố đã giải quyết được khoảng 50% số vụ việc đã có kết luận thanh tra nhưng tồn đọng chưa được thực hiện.
Dưới sự điều hành của Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, hội nghị đã thảo luận về các vấn đề nổi bật trong công tác Nội chính của thành phố, trọng tâm là công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng cháy, chữa cháy.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những cố gắng của các cấp, các ngành từ thành phố tới cơ sở, đặc biệt là khối các cơ quan Nội chính thành phố trong quý I-2018 đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham mưu kịp thời cho Thành uỷ chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh.
Điểm từng kết quả quan trọng của công tác Nội chính trong quý I-2018, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, mặc dù tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều nhiệm vụ mới được đặt ra, nhưng thành phố đã bảo đảm tuyệt đối an toàn 624 sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn thành phố; giữ vững ổn định tình hình. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn coi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU của Thành uỷ tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Quản lý đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đô thị, công tác cán bộ…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kết luận hội nghị. |
Lưu ý một số hạn chế còn tồn tại trong công tác Nội chính 3 tháng qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo, từng ngành Nội chính và mỗi quận, huyện, thị xã phải chủ động rà soát, xác định rõ những hạn chế còn tồn tại của ngành mình để đề ra giải pháp khắc phục triệt để.
Đề cập tình hình, bối cảnh của thành phố thời gian tới và vai trò, vị trí quan trọng của công tác Nội chính, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, công tác Nội chính và phòng chống tham nhũng của thành phố phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa về chất lượng. Hoạt động của các cấp, ngành về công tác Nội chính phải bài bản, nghiêm minh, nắm chắc tình hình, tham mưu chính xác, kịp thời cho Thành ủy chỉ đạo xử lý mọi tình huống xảy ra nhằm bảo đảm giữ vững an ninh, an toàn và an dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác Nội chính và phòng, chống tham nhũng, yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong 9 tháng còn lại của năm 2018. Trong đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, phải bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ động dự báo, nắm chắc tình hình; kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch... Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 46-CT/TƯ và Kế hoạch số 171-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới", các cấp, các ngành chú trọng tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", sử dụng vũ khí nóng, chống người thi hành công vụ…
Về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, các cấp, các ngành thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"; gắn với thực hiện các quy định mới của Trung ương về công tác cán bộ và công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng. Các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy trực thuộc, các sở, ngành thành phố phải xây dựng kế hoạch thực hiện công tác Nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí của địa phương, đơn vị, trong đó tập trung chỉ ra những khâu yếu, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng...
Nhấn mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các khu chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TU của Thành ủy về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới”. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đặc biệt lưu ý, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong phòng cháy, chữa cháy, chủ động chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nhấn mạnh: “Kiểm tra phải đi liền với xử lý nghiêm các vi phạm, nhất quyết không cho công trình, cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đi vào hoạt động...”. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố phải có kế hoạch tham mưu, thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thoát hiểm cho người dân. Sở Tư pháp và Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phải đặt hàng các cơ quan báo chí thành phố để tuyên truyền thường xuyên về kỹ năng phòng, chống cháy nổ và kỹ năng thoát hiểm cho người dân.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng giải đáp 3 nội dung kiến nghị được các đại biểu nêu tại hội nghị. Đáng chú ý, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương phải chủ động rà soát các vụ việc phức tạp theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy, chỉ rõ nguyên nhân từng vụ việc phức tạp, chủ động giải quyết theo thẩm quyền. Những vấn đề còn khó khăn phải được báo cáo kịp thời lên thành phố. Các sở, ngành liên quan phải chủ động thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở để phối hợp tháo gỡ, giải quyết.