Tượng 12 con giáp ở Hòn Dấu không thể gọi là mỹ thuật

Văn hóa - Ngày đăng : 17:36, 04/04/2018

(HNMO) - Những ngày gần đây, dư luận ồn ào, bức xúc về những bức tượng khỏa thân 12 con giáp trưng bày tại khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng).

12 con giáp trưng bày tại khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) gây nhiều tranh cãi.


Nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Đình Nguyên: Việc 12 bức tượng ở Hòn Dấu (Hải Phòng) mấy ngày qua có thể nói là một sự sai lệch khó chịu về thẩm mỹ. Chẳng có nhà điêu khắc nào làm một tác phẩm xấu xí như vậy. Xét về mặt mỹ học quá xấu, ở Châu Âu người ta cũng có những bức tượng khỏa thân, họ còn trưng ra giữa phố nhưng họ làm rất đẹp. Cũng là tượng khỏa thân như tượng David, tượng thần Venus...

Còn về 12 bức tượng ở Hòn Dấu (Hải Phòng), tôi đoán họ thuê thợ “vườn” đục đẽo. Vì về mặt thẩm mỹ còn kém hơn trình độ thợ làng điêu khắc đá Non nước. Tôi đã từng đến làng đá Non Nước và đã từng buồn khi nhìn những bức tượng họ đục ở đây, nhưng không trách họ được, vì chỉ gọi là “thợ” đục đá. Còn 12 bức tượng ta nói đến còn xấu hơn cả các tượng đá do thợ của làng đá Non Nước làm. Đây không thể là một tác phẩm do nghệ sỹ làm, nếu đã là nghệ sỹ, thì không ai làm một tác phẩm tồi như vậy.

Nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Công Đạt: Việc khen chê mỗi người một quan điểm khác nhau, nhưng tôi cho rằng mỗi người đều có quyền tự do cá nhân. Mấy ngày qua, chuyện về tượng 12 con giáp ở Hòn Dấu mọi người chê xấu, phản cảm và hơi cảm tính. Tôi cho rằng, chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, trong xã hội có người thích tranh Thái Lan, Trung Quốc, có người treo “tranh Nguyễn Thái Học”, người có tiền thích chơi sang treo tranh Van Gogh chẳng hạn....

Việc ông chủ khu du lịch Hòn Dấu trưng bày 12 bức tượng con giáp cũng là bình thường, ông ấy trưng bày dưới góc độ hiểu biết của mình, đối với ông ấy thế là đẹp. Tuy nhiên, treo theo thẩm mỹ, treo theo sở thích trong nhà thì không sao, nhưng nếu treo ra bên ngoài thì đúng là phản cảm. Vì trưng ra bên ngoài, thì mọi đối tượng đều xem, ngắm được. Người lớn nếu thấy xấu, đẹp khen chê không sao, nhưng nếu để một đứa trẻ thấy những tác phẩm xấu thì lại nguy hiểm, câu chuyện lại khác rồi, sẽ làm lệch lạc thẩm mỹ. Còn việc đánh giá đám đông, thì có thể đám đông sai nhưng anh cũng nên coi trọng đám đông mà nên đưa về treo trong nhà.

Nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Công Đạt.


Theo như tôi được biết thì ở khu du lịch đó, trước đây cũng đã từng trưng bày các tác phẩm của bạn tôi, hai nhà điêu khắc rất tử tế là Đào Châu Hải và Phan Phương Đông. Non 10 năm trước hình như có một trại sáng tác điêu khắc được tổ chức ở đấy. Tôi không rõ là bộ tượng 12 con giáp có cùng thời điểm đó hay sau này nhưng kể cũng buồn cười là phải đến khi hình ảnh của nó được tung lên mạng xã hội thì người ta mới bàn tán xôn xao về nó như là một tin sốt dẻo vậy.

Kiểu tượng con giáp, đầu thú mình người, hoặc đầu người mình thú, thì ở các nước láng giềng quanh ta và kể cả ở Tây, họ cũng đã làm mãi rồi, các cụ nhà ta xưa kia cũng làm mãi rồi, có gì là lạ. Đành rằng, sáng tạo thì luôn có tính kế thừa học hỏi và nghệ sĩ luôn cần được tôn trọng quyền tự do sáng tác... nhưng khổ nỗi đây có phải là sáng tạo đâu, có phải là ngôn ngữ của điêu khắc đâu mà cần phải tham vấn ý kiến của một nhà điêu khắc. Đây chỉ là sản phẩm của một người thợ đục đá mà thôi, không thể gọi là một tác phẩm nghệ thuật, nếu gọi là “tác phẩm” thì là một tác phẩm “tật nguyền”.

Họa sĩ Phạm Hà Hải.


Họa sĩ Phạm Hà Hải: Tôi nhận định sự việc này dưới góc độ một sản phẩm du lịch mà thôi, không thể gọi là một tác phẩm mỹ thuật được. Còn nếu chủ đầu tư khu du lịch đó, muốn đầu tư một tác phẩm mỹ thuật trưng bày phải xác định rõ: Tượng trang trí hay tượng mỹ thuật? Có giá trị gì về lịch sử? Nếu là điêu khắc mang tính tượng vườn trang trí cũng phải quan tâm đến việc định hướng thẩm mỹ cho người xem. Những “khối vật chất” kia là một sản phẩm xấu xí có hại cho cộng đồng, yếu kém tạo hình, ý tưởng hồ đồ, tạo ra sự phản cảm. Tôi nghĩ nên đem cất vào “kho” chứ không nên trưng ra ngoài các sản phẩm như vậy.

Tuyết Minh