Biến thách thức thành cơ hội
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 04/04/2018
Hoàn thiện khung pháp lý
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, cùng với Hiệp định Thương mại tự do (FTA) EU - Việt Nam, CPTPP sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam, tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy vậy, lao động Việt Nam cũng phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng với các thị trường trong CPTPP. Để biến các thách thức thành cơ hội, một trong những việc đầu tiên các cơ quan chức năng cần thực hiện là nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về lao động, việc làm.
Nguy cơ lao động giản đơn bị máy móc thay thế ngày càng hiện hữu rõ. |
Trong những năm qua, khung pháp lý về lao động, việc làm ở nước ta đã mở rộng sự bảo vệ đến người lao động trong nền kinh tế phi chính thức, tạo ra môi trường tương đối thuận lợi, an toàn để người lao động tham gia thị trường với tâm thế chủ động. Nhưng trên thực tế, những cuộc đình công không phải do tổ chức Công đoàn khởi xướng vẫn xảy ra ở nhiều loại hình doanh nghiệp. “Đình công tự phát là dấu hiệu phản ánh người lao động chưa cảm thấy quyền lợi và mối quan tâm của họ được giải quyết thấu đáo, hiệu quả”, ông Chang-Hee Lee phân tích.
Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và các điều kiện khác dành cho người lao động đều được quyết định thông qua đối thoại xã hội, thương lượng tập thể giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động. Mọi mối quan hệ được trao quyền và điều chỉnh bởi hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến quan hệ lao động. Vì thế, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, các cơ quan chức năng lưu ý điều chỉnh các mối quan hệ lao động sao cho phù hợp với thực tiễn.
Cho rằng lực lượng lao động đã và đang hình thành trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) còn bị “bỏ ngỏ” trong khuôn khổ pháp lý, Giám đốc ILO tại Việt Nam mong muốn, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động cần có những nội dung đón đầu xu thế phát triển tất yếu của thị trường lao động. “Rõ ràng, lái xe Uber, Grab là sản phẩm của Cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy, họ có phải là người lao động không, có phải người làm thuê không, có nằm trong diện bảo vệ của Bộ luật Lao động không? Đó là những câu hỏi phải được giải đáp trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động”, ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh và cho biết thêm, phía ILO sẽ tăng cường hỗ trợ cải cách pháp luật lao động và quan hệ lao động cho Việt Nam; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về lao động của Hiệp định CPTPP và FTA.
Nâng cao năng suất lao động
Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, ILO khuyến nghị các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động.
Các nghiên cứu mới nhất của ILO chỉ rõ, thay đổi công nghệ sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất. Uớc tính, 86% lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may, da giày ở Việt Nam có thể bị máy móc thay thế trong tương lai không xa. “Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm một số công việc biến mất, nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới. Dự báo, số lượng việc làm mới khi Việt Nam tham gia CPTPP tăng lên. Bởi vậy, Việt Nam có thể chủ động thích ứng với sự thay đổi này bằng cách cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất lao động”, ông Chang-Hee Lee nói.
Đồng quan điểm trên, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích, quy mô của GDP được quyết định bởi ba yếu tố cơ bản là vốn, lao động và công nghệ. Lâu nay, chúng ta thường lấy GDP chia cho tổng số lực lượng lao động có việc làm để tính năng suất lao động và khẳng định năng suất của lao động Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Do đó, để thúc đẩy tăng năng suất lao động, trước hết các cơ quan chức năng cần chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng, chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức, hoàn thiện thể chế, đổi mới công nghệ…”, ông Doãn Mậu Diệp kiến nghị.
Hiện nay, nước ta có 55,16 triệu lao động, trong đó khu vực thành thị chiếm khoảng 32%, khu vực nông thôn chiếm khoảng 68%. Lao động làm việc trong ngành nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 40%. Theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đến năm 2025, lực lượng lao động nước ta ước đạt hơn 63 triệu người, trong đó khu vực thành thị chiếm khoảng 40%, nông thôn chiếm khoảng 60%. Nhu cầu việc làm tăng khoảng 7%, tương đương với hơn 61 triệu lao động có cơ hội việc làm. Như vậy, ở thời điểm năm 2025, nước ta có gần 2 triệu lao động thất nghiệp.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ, thị trường lao động mở cửa, cơ cấu lao động bất hợp lý sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Hy vọng, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng thực thi đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực.