VTVcab cắt bớt nhiều kênh truyền hình: “Thượng đế” bị coi thường?
Công nghệ - Ngày đăng : 06:36, 05/04/2018
Không nên lẳng lặng "cắt kênh"
Những ngày cuối tháng 3, Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) đã thông báo trên hệ thống kênh sóng của mình cũng như trên một số phương tiện truyền thông về việc phát sóng thêm 12 kênh sóng mới kể từ ngày 1-4-2018.
Tuy nhiên, VTVcab lại không thông báo về việc sẽ cắt giảm 23 kênh sóng quen thuộc như HBO, Cinemax (Max by HBO) Disney, Cartoon Network, Discovery, Fox Sports, Fox Sports 2, AXN, Warner TV, CNN, BBC... nên đã gây ra phản ứng của người xem - khách hàng của VTVcab.
Nhiều khách hàng bức xúc vì VTVcab đột ngột cắt nhiều kênh nước ngoài hấp dẫn. Ảnh: Lệ Chi |
Anh Nguyễn Trung Thành (Đầm Trấu, Hà Nội) chia sẻ: “Sáng 1-4, tôi mới biết rõ sự thay đổi kênh sóng của VTVcab. Thú thực, tôi bất ngờ vì không thấy một số kênh quen thuộc như CNN, BBC, HBO, Cinemax. Trước đó, tôi vẫn nghĩ rằng mình được tăng kênh, tăng lựa chọn để xem. Nhưng thực tế không phải vậy. Đáng tiếc là nhà cung cấp dịch vụ lại không thông báo đầy đủ điều này tới khách hàng”.
Còn ông Nguyễn Văn Tâm (Thụy Khuê, Hà Nội) thì cho biết: "Các cháu tôi rất thích xem kênh Disney Channel. Chúng khá hụt hẫng khi không còn được xem kênh yêu thích. Nếu chúng tôi được cung cấp thông tin sớm, cụ thể về chuyện giảm và tăng kênh thì sẽ tốt hơn”.
Trong hợp đồng của khách hàng với VTVcab cũng đã ghi rõ, khi có sự thay đổi về kênh sẽ cung cấp thông tin tới khách hàng qua thư điện tử mà khách hàng đã đăng ký hoặc qua tin nhắn điện thoại. Nhưng thực tế, nhiều khách hàng của VTVcab không nhận được bất kỳ thông tin nào về sự thay đổi ở cả hai hình thức trên.
Chính vì vậy, chỉ trong ngày 1 và 2-4, tổng đài của VTVcab đã nhận được trên 5.000 ý kiến thắc mắc của người xem về việc không thấy xuất hiện một số kênh sóng quen thuộc với họ. Nhiều khách hàng chia sẻ rằng, họ cần thông tin đầy đủ từ nhà cung cấp dịch vụ mỗi khi có sự thay đổi chứ không nên cứ lẳng lặng cắt kênh mà không một lời giải thích.
Sự thiếu chuyên nghiệp trong cách hành xử với khách hàng đã khiến VTVcab bị phản ứng. Và việc khách hàng tìm hiểu nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác để được xem những chương trình yêu thích cũng là điều dễ hiểu.
Khách hàng cần được coi trọng đúng mức
Liên quan đến sự việc, ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) đã gửi lời xin lỗi tới những khán giả không nhận được thông tin về việc thay đổi một số kênh, chương trình của VTVcab từ ngày 1-4-2018. Theo ông Bùi Huy Năm, VTVcab đã thông báo sự thay đổi trên nhiều kênh, phương tiện truyền thông nhưng đáng tiếc đã không thể gửi thông tin đầy đủ, chính xác đến toàn bộ 2 triệu khách hàng. VTVcab xin rút kinh nghiệm và mong muốn khán giả thông cảm cho nhà cung cấp dịch vụ.
Đại diện VTVcab cũng đã lý giải về việc tăng, giảm kênh: “Đối với thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam, thời gian gần đây, hầu hết các nhà cung cấp đều có các gói dịch vụ giống nhau. VTVcab luôn mong muốn tạo sự thay đổi, tìm kiếm những nội dung tốt nhất để đáp ứng thị hiếu của người xem, trong đó có các gói kênh truyền hình nước ngoài”.
Tuy vậy, vấn đề ở đây có lẽ nằm ở chi phí bản quyền truyền hình - nguyên nhân chính khiến VTVcab đành phải bắt tay với đối tác khác với gói kênh có giá trị tài chính trong tầm kiểm soát của đơn vị này. Chính đại diện của VTVcab cũng từng đề cập, vấn đề về chi phí bản quyền thấp hơn là yếu tố giúp VTVcab mang thêm nhiều kênh truyền hình mới đến với khán giả.
Cũng có thể hiểu, chi phí bản quyền truyền hình cao đã khiến VTVcab không thể gia hạn hợp đồng mua thêm những kênh được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, cách thức giải quyết của VTVcab trong mối quan hệ với khách hàng lại thể hiện sự bất cập.
Có thể thấy, phía sau câu chuyện VTVcab “tăng, giảm kênh”, mối quan hệ giữa nhà cung cấp - khách hàng chưa được coi trọng đúng mức. Trách nhiệm của nhà cung cấp đã rõ, còn khách hàng cũng cần có những công cụ bảo vệ quyền lợi của mình, bắt đầu từ việc ràng buộc trách nhiệm của nhà cung cấp. Điều khoản chung của hợp đồng hai bên đã ghi: VTVcab có thể thay đổi chương trình trong trường hợp không mua được bản quyền do phía nhà cung cấp từ chối, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân…
Rõ ràng, trong câu chuyện này, nhà cung cấp hầu như "nắm đằng chuôi", còn người tiêu dùng lại bị động và chấp nhận những "bất lợi" khi ký vào hợp đồng. Vì vậy, rất cần có những thay đổi về điều khoản cung cấp dịch vụ hợp đồng, trong đó đề cập chi tiết hơn đến quyền lợi của người tiêu dùng, để cả nhà cung cấp và người tiêu dùng có quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Để làm được việc đó, cũng cần có những hành động cụ thể từ phía các cơ quan quản lý để giúp người tiêu dùng không lâm vào cảnh bị động.
Liên quan đến vụ việc này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, đã ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng và đã yêu cầu VTVcab báo cáo sự việc để tiến hành xác minh. Trường hợp VTVcab có vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục sẽ xử lý đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, VTVcab chỉ được thực hiện việc thay đổi số lượng kênh và kênh trong mỗi gói dịch vụ sau khi đã đăng tải tại trang điện tử http://www.vtvcab.vn và thông báo tới khách hàng qua các hình thức: Nhắn tin trực tiếp tới số điện thoại di động (nếu bên sử dụng dịch vụ đăng ký nhận thông báo bằng tin nhắn); hoặc gửi thông báo theo địa chỉ khách hàng đăng ký.
Theo quy định tại Khoản 5.4, Điều 5, Hợp đồng mẫu của VTVcab với khách hàng, bên sử dụng dịch vụ không có nhu cầu sử dụng hoặc không đồng ý với việc VTVcab thay đổi số lượng kênh và kênh trong gói dịch vụ, có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng...
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng thông tin rằng, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các phản ánh hoặc yêu cầu tư vấn của người tiêu dùng về vấn đề trên có thể liên hệ qua số Tổng đài tư vấn tiêu dùng (miễn phí): 1800 - 6838 hoặc email: vcca@moit.gov.vn.