Ủng hộ “cưới trang trọng, tiết kiệm, văn minh”
Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 05/04/2018
Tổ chức cưới tập thể - nếp sống văn minh mới của thế hệ trẻ Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam |
Anh Bùi Thế Cường, Bí thư Quận đoàn Tây Hồ: Quy mô đám cưới không quyết định hạnh phúc lứa đôi
Lễ thành hôn là cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên xét đến cùng, quy mô tổ chức lễ thành hôn không quyết định được hạnh phúc. Bởi cái cốt lõi và giá trị tốt đẹp nhất của một lễ cưới là hạnh phúc bền lâu của đôi vợ chồng trẻ. Với văn bản mới đây về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Tây Hồ đang lên kế hoạch, xây dựng chương trình tuyên truyền, gắn với thực hiện xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị.
Tại quận Tây Hồ, trong những năm qua, các đôi trẻ thực hiện mô hình cưới văn minh ngày càng nhiều. Tôi tin rằng với tính chất tích cực, mang đậm chất hiện đại, lành mạnh, cưới theo nếp sống mới sẽ ngày càng được các bạn trẻ hưởng ứng và duy trì thành nền nếp.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, phường Quang Trung, quận Hà Đông: Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Tôi rất đồng tình về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh cán bộ, đảng viên không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp…
Sự định hướng kịp thời này không chỉ chấn chỉnh tình trạng tổ chức đám cưới lãng phí, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”.
Bà Nguyễn Thị Nhung, tổ dân phố 19, phường Thượng Thanh, quận Long Biên: Chấm dứt tổ chức cưới trong giờ hành chính…
Mấy năm trở lại đây, quan niệm về tổ chức cưới xin của cả người dân và nhiều cán bộ, đảng viên là lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị đã có thay đổi tích cực. Thay vì chọn khách sạn, nhà hàng sang trọng, ngày càng nhiều gia đình tổ chức cưới ngay tại nhà hoặc chọn các địa điểm chung như nhà văn hóa tổ dân phố, cụm dân cư... Những đám cưới như vậy không chỉ ấm áp vì bà con hàng xóm tiện qua lại, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng giúp gia chủ lo việc tiếp khách, cỗ bàn và chi phí cho lễ thành hôn cũng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình chọn cách tổ chức cưới rườm rà, ở nhiều nơi, khiến chính họ và con cái họ đều mệt mỏi. Không ít cán bộ, đảng viên vẫn đặt nặng việc cưới xin phải theo ngày, giờ đẹp nên tổ chức tiệc cưới trong giờ hành chính, khiến nhiều người tìm cách “cúp cua” giờ làm để đến dự... Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, tuyên truyền cho người thân… hiểu đúng về ý nghĩa của việc cưới, để ngày càng nhân lên những mô hình cưới ấm cúng, ý nghĩa, tiết kiệm.
Bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ba Đình: Thanh niên là lực lượng nòng cốt
Thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, quận Ba Đình và 14 phường trong quận thường xuyên vận động các tầng lớp nhân dân tổ chức cưới theo hướng trang trọng, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm. Nhiều phường vẫn duy trì đều đặn các buổi trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường và được nhiều người hưởng ứng.
Năm 2017, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận đã sáng tạo hình thức tuyên truyền thông qua lễ hội “Ngày hạnh phúc”, tổ chức “Đám cưới văn minh” cho 17 cặp đôi thanh niên và “Đám cưới vàng” cho 17 cặp ông bà có hôn nhân hạnh phúc trên 55 năm.
Năm nay, UBND quận tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, trong đó lấy lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt đi đầu gương mẫu thực hiện.