Bài cuối: Cần chính sách đồng bộ
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 06/04/2018
Ảnh minh họa. |
Vẫn còn khó khăn
Anh Nguyễn Văn Cường (27 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) thuê trọ chung với 2 người bạn trong căn phòng sơ sài khoảng 10m2 ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Anh thường xuyên nhận làm ca đêm để ban ngày đi làm thêm, tiết kiệm hết mức có thể để gửi tiền về cho gia đình. Tình cảnh của anh Cường không phải là cá biệt. Nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng đang vất vả mưu sinh. Nếu không tăng ca thì họ tìm cách làm thêm để tăng thu nhập. Với họ, việc đến nhà hát, công viên, bảo tàng, đi xem các chương trình hòa nhạc, thể thao, giải trí… là xa xỉ. Phương tiện giải trí, mở mang quan hệ duy nhất của công nhân là điện thoại để lướt web. Vì vậy, dù có nhận thức được mối đe dọa mất việc làm từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, họ cũng không có điều kiện về thời gian, tài chính để có thể tự trang bị cho mình "vũ khí phòng thân".
PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, mức lương như hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 93% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc phải "bù thêm" khoảng 7% nữa, mức tiền lương tối thiểu mới chạm ngưỡng mức sống tối thiểu của người lao động. Đây chính là lý do khiến đời sống tinh thần, vật chất của công nhân, người lao động vẫn chưa được bảo đảm. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương để cải thiện điều kiện nhà ở, nhà trẻ, bảo hiểm xã hội, tiền lương... nâng cao đời sống công nhân - lao động.
Có một thực tế, giai cấp công nhân đã phát triển nhanh về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao (đến nay chỉ có 62% lao động đã qua đào tạo). Điều kiện sinh hoạt cũng còn nhiều bất cập. Mặc dù, thành phố đã thí điểm xây dựng bằng vốn ngân sách khu nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, với 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng và 4 khối nhà cao 15 tầng tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long phục vụ gần 2 vạn chỗ ở cho công nhân; tạo điều kiện cho Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty TNHH Điện tử Meiko, Công ty TNHH YoungFast xây dựng nhà ở cho công nhân tại 2 Khu công nghiệp Phú Nghĩa và Thạch Thất - Quốc Oai với 14 đơn nguyên nhà cao 6 tầng..., song mới đáp ứng 10% nhu cầu về nhà ở của công nhân, lao động. Chưa kể, hiện vẫn còn thiếu nhà trẻ, trung tâm y tế, nơi sinh hoạt văn hóa của công nhân và nơi sinh hoạt của các đoàn thể chính trị - xã hội. Tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn, còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động.
Báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho thấy, nhận thức của một số công nhân, lao động về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, về chính sách pháp luật còn khiêm tốn. Ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của công nhân, nhất là ở khu vực doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số công đoàn cơ sở chưa tích cực hoạt động, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy. Do đó, việc triển khai thực hiện nghị quyết còn chậm. Công tác tuyên truyền, học tập nghị quyết trong công nhân, lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ Luật Doanh nghiệp, vi phạm chế độ báo cáo, thống kê, chế độ, chính sách cho người lao động. Không ít doanh nghiệp nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội kéo dài, chưa chấp hành đúng quy định về an toàn, vệ sinh lao động…
Nhiệm vụ chiến lược, có tính liên tục
Hạn chế trên có nguyên nhân từ nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở; coi công tác thực hiện nghị quyết là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, đào tạo xây dựng đội ngũ chưa xứng với vai trò, vị trí của giai cấp công nhân. Nội dung, phương thức hoạt động của một số công đoàn cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của người lao động. Đội ngũ cán bộ Đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp chủ yếu kiêm nhiệm, thiếu thời gian hoạt động, nhất là cán bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Ngô Văn Tuyến nhận định: Số doanh nghiệp cũng như công nhân lao động của thành phố thời gian qua tăng nhanh, nhưng chủ yếu là công nhân lao động ngoại tỉnh, xuất thân từ nông thôn, ít qua đào tạo cơ bản, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ tay nghề, kỹ thuật còn thấp. Không ít người có tâm lý thích làm "thầy" hơn làm "thợ", hiểu biết về chính sách pháp luật, nhận thức về công việc còn giản đơn, chưa thực sự quan tâm học tập nâng cao trình độ, chuyên môn. Ngoài ra, hiện còn thiếu chế tài xử phạt các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Luật Công đoàn và những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, lao động. Do đó, để tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nghị quyết thời gian tới, các cấp ủy Đảng phải thật sự quan tâm chỉ đạo, coi việc “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” là nhiệm vụ chiến lược, có tính liên tục, lâu dài. "Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn và các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, lao động" - ông Ngô Văn Tuyến đề xuất.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn cũng như chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở cần được coi trọng hơn. Cùng với đó, Công đoàn cần quyết liệt đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; lấy quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu hoàn thiện phương thức hoạt động. Từ đó tạo điều kiện học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của người lao động, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô phát triển toàn diện. Đây là tiền đề đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.