Vì sao ngăn xe khách “quá cảnh” xuyên tâm?
Giao thông - Ngày đăng : 07:18, 06/04/2018
Tình trạng xe khách đón trả khách tùy tiện trên đường Vành đai 3 diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Tuấn Khải |
Nguyên nhân gia tăng ùn tắc, tai nạn
Theo Phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội), hiện có khoảng 400 phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh thuộc các tuyến hoạt động thông qua địa bàn Hà Nội (xe “quá cảnh”) có hành trình chạy trên đường Vành đai 3 trên cao (đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến nút giao Pháp Vân) và các tuyến đường Võ Văn Kiệt, cầu Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng… Chẳng hạn, xe từ các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… sau khi đi qua các tuyến đường Vành đai 3 trên cao - đường Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Bắc Thăng Long thì phải đi tiếp tới các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… Thế nhưng, có rất nhiều xe vẫn vô tư dừng đỗ đón trả khách trên đường Vành đai 3, đặc biệt là đoạn đi qua khu vực trước cổng Bến xe Mỹ Đình và cầu vượt Mai Dịch, thậm chí ngay trong các khung giờ cao điểm, trở thành một trong những nguyên nhân làm gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Không ít xe mặc dù có lộ trình chạy trên đường Vành đai 3 trên cao, nhưng vẫn "tranh thủ" lúc lực lượng chức năng còn đang phải phân làn, phân luồng hướng dẫn giao thông để chạy xuống đường Vành đai 3 dưới thấp (trên các tuyến đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến) nhằm dễ bề đón, trả khách… Đây cũng là lý do khiến cho trên dọc tuyến này thời gian qua phát sinh nhiều tụ điểm xe “dù”, bến “cóc”. Lực lượng chức năng cứ "dẹp" được điểm này thì lại "phình ra" ở chỗ khác.
Giải pháp cấp bách
Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GT-VT điều chỉnh hành trình hoạt động đối với các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh đi qua trung tâm thành phố. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã chấp thuận và đề xuất Bộ GT-VT điều chỉnh để thực hiện.
Theo phương án đề xuất của Hà Nội, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc, gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn từ hành trình cũ đi qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - đường Vành đai 3 trên cao - đường Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Bắc Thăng Long sẽ điều chỉnh theo hướng: Pháp Vân - Cầu Giẽ - đường Vành đai 3 trên cao - cầu Thanh Trì - đường dẫn cầu Thanh Trì - đường Nguyễn Văn Linh - cầu vượt đường 5 - đường 5 kéo dài - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Võ Văn Kiệt - Bắc Thăng Long (hoặc cầu Thanh Trì - quốc lộ 1 - quốc lộ 3) rồi đi bến xe các tỉnh.
Các tuyến từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam (gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) đi các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc (gồm Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu...) đi theo quốc lộ 5 cũ, hoặc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hướng lên quốc lộ 2 (hoặc cao tốc Nội Bài - Lào Cai) sẽ điều chỉnh theo hướng từ quốc lộ 5 - cầu Đông Trù - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Võ Văn Kiệt - quốc lộ 2 (hoặc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai); hoặc cũng có thể đi theo hướng quốc lộ 5 - quốc lộ 1 - quốc lộ 3 đến các tỉnh Thái Nguyên - Cao Bằng - Bắc Kạn rồi đi các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và ngược lại.
Riêng đối với các tuyến từ Bến xe Sơn Tây đi các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, TP Hồ Chí Minh có hành trình hoạt động theo trục quốc lộ 32 - đường Vành đai 3 trên cao - Pháp Vân - Cầu Giẽ - quốc lộ 1A đi các tỉnh phía Nam đề nghị điều chỉnh hành trình theo hướng quốc lộ 21 - Xuân Mai - đường Hồ Chí Minh. “Việc điều chỉnh này cũng giống như những lần điều chỉnh luồng tuyến trước đây của TP Hà Nội chính là giải pháp cấp bách nhằm xử lý và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đồng thời xử lý kiên quyết đối với những trường hợp xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn thành phố” - ông Vũ Hà khẳng định.
Thời gian qua, thành phố đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, qua đó tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Liên quan tình trạng không ít hành trình xe khách đi qua nhiều khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, từ đó phát sinh xe "dù", bến "cóc", tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác quản lý trật tự giao thông đô thị, khắc phục ùn tắc giao thông và giải pháp thực hiện trong quý II-2018 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã kiến nghị: Bộ GT-VT điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh thông qua địa bàn Thủ đô (tuyến không có điểm đầu - điểm cuối tại bến xe trên địa bàn thành phố) vào lần điều chỉnh quy hoạch gần nhất nhằm góp phần khắc phục những hạn chế đã nêu. |