Nhân rộng cách làm hay

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 06/04/2018

(HNM) - “Triển khai xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn thành phố xuất hiện rất nhiều điển hình, cách làm hay, sáng tạo. Các địa phương của Hà Nội cần chủ động gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn địa phương mình nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới...”...

Một mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Anh Tuấn


Nhiều sáng tạo

Đan Phượng là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP Hà Nội và hiện nay vẫn đang tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong thực hiện chương trình này. Triển khai xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng có nhiều cách làm sáng tạo. Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, nếu như trong giai đoạn 2011-2015, huyện có đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp địa phương sớm "cán đích" nông thôn mới thì đến giai đoạn 2016-2020, Đan Phượng triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, Đan Phượng đang làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung. Với khẩu hiệu: "Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”, Đan Phượng đã tổ chức đánh số nhà, đặt tên các ngõ xóm; trồng hoa, cây xanh cho các tuyến đường; vẽ bích họa... tạo cảnh quan đẹp cho làng quê. Đan Phượng cũng là địa phương thành công trong thực hiện việc cưới, việc tang văn minh lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, là địa phương thu hút được nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn chia sẻ: Trên địa bàn đã có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đây là nền tảng tốt để Phúc Thọ phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới năm 2018. Phúc Thọ đã chọn 3 khâu đột phá: Phát triển nông nghiệp, kinh tế tư nhân và thực hiện cuộc vận động "3 sạch" (nước sạch, nông nghiệp sạch và môi trường sạch). Sau 1 năm phát động, huyện Phúc Thọ đã cải tạo được 86 ao hồ, 28 vườn hoa; 62% hộ dân được sử dụng nước sạch; nông dân có ý thức hơn trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Qua đó, vừa nâng cao giá trị sản xuất; vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân và xây dựng môi trường sống trong lành.

Đối với huyện Quốc Oai, dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới của huyện thể hiện qua công tác giảm nghèo, đưa nước sạch về nông thôn và đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu để xây dựng nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ thông tin: Đến nay, trên địa bàn, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch đạt trên 75%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,5%. Để đạt kết quả cao, huyện Quốc Oai có kế hoạch triển khai rất cụ thể: Có chủ trương ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công trình nước sạch nông thôn; có kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, về đào tạo nghề, về tư liệu sản xuất để bà con vươn lên thoát nghèo...

Sức lan tỏa ngày càng mạnh

Triển khai xây dựng nông thôn mới, để thực hiện 19 tiêu chí trong bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố, mỗi địa phương tùy đặc điểm tình hình tạo đột phá trong hoạt động này. Đến nay, thành phố đã có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 39 xã đang hoàn tất thủ tục để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, nâng số xã đạt chuẩn lên 294/386 xã, chiếm tỷ lệ 76,2%.

Đặc biệt, các tiêu chí liên quan đời sống văn hóa tinh thần được nhiều địa phương rất quan tâm; các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt trong tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện "Đường có hoa, nhà có số, phố có tên". Một số huyện đã và đang thực hiện, đạt kết quả tốt như: Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên... Qua đây, người dân phấn khởi hơn bởi sự thiết thực của xây dựng nông thôn mới, từ đó, tích cực tham gia thực hiện. Tiêu biểu, hộ ông Nguyễn Tứ Hùng ở xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn, cải tạo môi trường phong quang, sạch đẹp; nhân dân xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) hiến 352,8m2 đất nông nghiệp mở rộng giao thông nội đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Mỗi xã, mỗi huyện đều có cách làm hay, bởi vậy, các huyện cần liên hệ học tập kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng cách làm hay, tạo những đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như cuộc vận động "3 sạch" và sáng kiến tổ chức ngày sinh hoạt cộng đồng tại tất cả các thôn, làng, cụm dân cư để tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân đóng góp xây dựng nông thôn mới của huyện Phúc Thọ là những cách làm hiệu quả không chỉ với huyện Phúc Thọ mà còn với toàn TP Hà Nội...

Nguyễn Mai