Rõ từng bước đi cụ thể
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 07/04/2018
Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung. |
- Bà có thể cho biết việc đầu tư cho môn bắn súng sau kỳ tích tại Olympic Rio 2016?
- Nhờ sự ủng hộ của các cấp, ngành, chúng ta đã có được 15 bệ bắn bia điện tử. Đó là tín hiệu đáng mừng, cho dù đây mới chỉ là những bệ để tập luyện chứ chưa đủ chuẩn thi đấu quốc tế. Với các bệ bắn này, các xạ thủ có điều kiện làm quen với luật thi đấu áp dụng đối với bia điện tử, vững vàng hơn về trạng thái tâm lý khi bước vào những giải đấu quốc tế. Bên cạnh đó, mới đây đã có ba doanh nghiệp Hàn Quốc tài trợ 200.000 USD trong thời gian 2 năm và tặng gói khám, chữa trị chấn thương cho các xạ thủ bắn súng quốc gia. Nhờ gói hỗ trợ này, công tác đào tạo trẻ có thêm điều kiện để thực hiện mục tiêu tìm kiếm, đào tạo xạ thủ tài năng.
Vận động viên Hoàng Xuân Vinh, niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Ảnh: Minh Hoàng |
- Nhiều xạ thủ nói rằng họ gặp nhiều khó khăn vì thiếu đạn tập, mỗi xạ thủ chỉ có 60 viên đạn tập cho 1 tuần, thậm chí còn phải tập "chay". Tình trạng đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình tập luyện của vận động viên?
- Đúng là vận động viên các địa phương đang rất thiếu đạn tập, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng lực lượng kế cận. Tình trạng tập “chay” khiến chúng tôi khó đánh giá trình độ thực sự của vận động viên, còn các vận động viên thì thiếu tự tin, khó điều chỉnh kỹ thuật... Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới lực lượng kế cận, gây khó khăn đối với kế hoạch chuẩn bị dài hơi cho Olympic năm 2020 và Olympic năm 2024.
May mắn là ở cấp độ đội tuyển chúng tôi vẫn có đạn cho vận động viên tập luyện, nhưng chỉ ở mức rất khiêm tốn so với mặt bằng chung của các nước trên thế giới. Hy vọng sắp tới, chuyện thiếu đạn tập luyện và thi đấu của vận động viên sẽ được quan tâm giải quyết.
- Đấu trường quan trọng nhất của bắn súng Việt Nam năm nay là ASIAD 18. "Gánh" nhiệm vụ giành Huy chương vàng ASIAD là điều không hề dễ dàng, thưa bà?
- Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, bởi đấu trường Á vận hội với môn bắn súng không khác gì một "Olympic thu nhỏ". Đơn cử như nội dung sở trường của Hoàng Xuân Vinh, trong số 8 vận động viên vào chung kết Olympic Rio 2016 có đến 7 người thuộc khu vực Châu Á.
Tại ASIAD 2018, bắn súng có 20 nội dung thi đấu, trong đó có 14 nội dung Việt Nam có thể tham gia. Chúng ta có khả năng cạnh tranh huy chương ở 3 nội dung, bao gồm 50m súng ngắn bắn chậm, 10m súng ngắn hơi nam và súng ngắn bắn nhanh. Để giành được Huy chương vàng, trước tiên chúng ta phải lập kế hoạch có nhiều vận động viên lọt vào chung kết. Một khi đã vào đến chung kết, phong độ, đẳng cấp, bản lĩnh của vận động viên có ý nghĩa quyết định.
- Chúng ta sẽ có những bước đi cụ thể như thế nào để hiện thực hóa kế hoạch giành Huy chương vàng Á vận hội?
- Bắn súng tập trung đầu tư trọng điểm cho các xạ thủ ở nội dung thế mạnh là súng ngắn hơi nam và nữ, như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Nguyễn Đình Thành và một số xạ thủ nữ đấu cặp với các xạ thủ nam ở nội dung mix - nội dung mới của ASIAD 2018. Trước thềm ASIAD 2018, Ban Huấn luyện sẽ tuyển chọn xạ thủ dự ASIAD, tạo cơ hội cho mọi tuyển thủ tài năng. Vận động viên nào có phong độ tốt nhất sẽ được lựa chọn. Từ nay đến ASIAD 2018, các xạ thủ trọng điểm sẽ có cơ hội tập huấn tại Hàn Quốc và tham dự Cúp Bắn súng thế giới được tổ chức ở Hàn Quốc (giữa tháng 4), Mỹ (đầu tháng 5), Đức (cuối tháng 5). Ba giải này sẽ giúp các xạ thủ khởi động, làm quen trở lại với trạng thái thi đấu đỉnh cao.
- Hiện tại, ngoài Hoàng Xuân Vinh, đâu là những gương mặt được kỳ vọng, thưa bà?
- Về nam, ngoài Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường thì còn có Nguyễn Đình Thành, Hà Minh Thành. Về nữ, Bùi Thị Thu Thủy là gương mặt được kỳ vọng. Nhưng, như tôi đã phân tích, đấu trường ASIAD khó khăn chẳng kém Olympic, vì vậy, nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh vẫn là niềm hy vọng lớn nhất. Tôi tin Vinh sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu.
- Trong kế hoạch "săn vàng" Á vận hội, việc tạo môi trường tập luyện và thi đấu phù hợp nhằm giúp vận động viên rèn luyện bản lĩnh là rất quan trọng. Bà nghĩ gì về điều này?
- Các xạ thủ trọng điểm của chúng ta cần có đối thủ giỏi cùng tập luyện nhằm tạo động lực cạnh tranh và phấn đấu. Lựa chọn tối ưu của chúng tôi vẫn là Hàn Quốc, nơi có rất nhiều vận động viên giỏi. Vinh sẽ có điều kiện tập luyện thường xuyên cùng đối thủ Jin Jong Oh - người cạnh tranh trực tiếp Huy chương vàng ở đấu trường Olympic và ASIAD.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Chuẩn bị cho ASIAD 2018, từ đầu năm nay Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) đã tham mưu lãnh đạo ngành quan tâm đầu tư trọng điểm cho 23 huấn luyện viên, 62 vận động viên, trong đó có 3 xạ thủ bắn súng. Với riêng Hoàng Xuân Vinh, Vụ đang hoàn thiện các thủ tục nhằm giúp vận động viên này được nhận học bổng quốc tế của Ủy ban Olympic quốc tế trị giá 50.000 USD từ nay đến năm 2020. |