Bài cuối: Đồng bộ nhiều giải pháp
Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 07/04/2018
Chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số của TP Hà Nội phát triển. Ảnh: Sơn Hà |
Nguồn lực để phát triển bền vững
Hiện nay, công tác đầu tư thực hiện các chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn dàn trải, triển khai thi công kéo dài, nhất là các dự án về giao thông, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về xóa đói, giảm nghèo bền vững cũng còn hạn chế, một số hộ dân vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của thành phố và Trung ương.
Chia sẻ về tình hình địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Lý Sinh Vượng cho biết, cây thuốc Nam được coi là thế mạnh của xã, nhưng hiện vẫn chỉ có một số hộ gia đình làm tốt, khi nhân rộng gặp nhiều khó khăn về đất đai cũng như đầu ra của sản phẩm bấp bênh. Nghịch lý của xã là đất rộng nhưng người dân vẫn thiếu đất sản xuất, bởi phần lớn diện tích đất tự nhiên (2.200ha/2.540ha) do Vườn quốc gia Ba Vì quản lý, chỉ còn 340ha đất sử dụng. Do đó, các chính sách về giao đất, đào tạo nghề, đầu tư hạ tầng kết nối từ vùng sản xuất đến tiêu thụ cần được quan tâm xem xét thỏa đáng.
Tương tự, ông Trịnh Xuân Viết, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Mỹ Đức cho rằng, một số chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện hành mới dừng ở việc trợ giá, trợ cước vận chuyển, xây dựng đường, chợ... Các chính sách này rất quan trọng đối với vùng dân tộc thiểu số miền núi, vì tại đây, giao thông khó khăn, quy mô sản xuất manh mún, trong khi việc kết nối tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa thực sự được giải quyết căn cơ. “Trái đu đủ sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nông dân ở các xã thuận lợi về giao thông có thể bán từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg, nhưng nông dân ở xã An Phú chỉ bán được 3.000 đồng/kg, vấn đề đặt ra là cần tháo gỡ khó khăn giúp nông dân trong việc tiêu thụ nông sản” - ông Trịnh Xuân Viết kiến nghị.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội, thời gian qua, Ban đã xây dựng mô hình sản xuất mẫu cho nông dân vùng dân tộc thiểu số miền núi nhưng đến nay vẫn chưa nhân rộng được nhiều. Ở các huyện, xã, cán bộ làm công tác dân tộc còn kiêm nhiệm, dẫn đến công tác tham mưu chưa hiệu quả. Nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững triển khai ở cơ sở gặp khó khăn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động làm nông nghiệp, nhất là đối với các xã miền núi gặp rất nhiều khó khăn, bởi rất khó tìm được nghề phù hợp để người dân có thể ổn định cuộc sống.
Thực hiện Kế hoạch 138/KH-UBND của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, đến hết năm 2017, tổng số vốn đã được bố trí là hơn 991 tỷ đồng, tuy nhiên với diện tích chiếm tới 1/10 diện tích của thành phố, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nguồn đầu tư này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, cần được tăng cường để bảo đảm ổn định phát triển bền vững.
“Cho cần câu hơn cho con cá”
Bà Triệu Thị Lan (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cho biết: Ngoài việc quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, điều mong muốn lớn nhất của bà con dân tộc Dao trên địa bàn là có thu nhập ổn định. Cụ thể là sản phẩm thuốc Nam được chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, qua đó nhiều người dân biết đến các bài thuốc quý của đồng bào và sử dụng trong phòng, trị bệnh. Mặt khác, Nhà nước sớm quy hoạch vùng trồng cây thuốc Nam để bảo tồn cây dược liệu. Ngành Y tế hỗ trợ về khâu chế biến, tiêu thụ nhằm tạo sự phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố, để đáp ứng nguyện vọng của người dân, chính sách dân tộc của thành phố luôn nhất quán phương châm “cho cần câu hơn cho con cá”. Do đó, thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố tập trung bố trí đủ nguồn kinh phí đầu tư cho các công trình, dự án thuộc Kế hoạch 138/KH-UBND bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, không để các công trình dở dang vì thiếu vốn như thời gian qua. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục tăng cường xã hội hóa các nguồn lực đầu tư, ưu tiên lựa chọn các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch và các lĩnh vực sản xuất gắn với lợi thế về nguyên liệu, lao động.
Tương tự, để nâng cao đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi một cách bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ đề xuất giải pháp tăng cường hỗ trợ kết nối, tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động ở các xã miền núi theo hướng đúng nhu cầu và sau đào tạo, người dân ứng dụng được vào thực tiễn sản xuất. Các địa phương cần phát triển nhanh nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt, thành phố cần có chính sách cụ thể hơn để thu hút người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Tiếp nữa, các xã miền núi cần tiếp tục thực hiện vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tri thức bản địa, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tự lực, tự cường, thi đua vượt khó phát triển sản xuất kinh doanh dựa trên thế mạnh của địa phương...
Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tạo nên những thành tựu mới.