Đừng chạy theo danh hão!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 08/04/2018

(HNM) - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành - dự kiến vào tháng 6 năm nay.


Đó là việc làm cần thiết, bởi từ lâu, việc xét tặng danh hiệu văn hóa đã bộc lộ những hạn chế, không chỉ ở chỗ có quá nhiều danh hiệu na ná nhau, mà còn ở chất lượng bình xét. Như đã được chỉ ra, việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa ở nhiều nơi thể hiện rõ “bệnh” hình thức, đại khái, thậm chí bị chi phối bởi “bệnh thành tích”.

Năm 2016, khi tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa trên toàn quốc đã lên tới mức 85,03% - con số rất cao - trong khi các biểu hiện “thiếu văn hóa”, hành vi ứng xử xa rời chuẩn mực có xu hướng tăng…, cơ quan quản lý văn hóa đã tính tới việc trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành một văn bản mới nhằm xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu chặt chẽ hơn, hợp lý hơn, qua đó giúp các địa phương khắc phục “bệnh thành tích”. Cũng khoảng thời gian này, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, nêu rõ sự cần có một Nghị định về việc xét tặng các danh hiệu văn hóa. Báo cáo nêu: “Quá trình tổ chức bình bầu, công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa ở cơ sở có lúc, có nơi còn buông lỏng, dễ dãi, chạy theo thành tích, làm giảm ý nghĩa, giá trị của danh hiệu. Các văn bản chỉ đạo phong trào ở các cấp chưa được thực hiện thống nhất và đồng bộ. Các cuộc vận động còn chồng chéo, chưa thống nhất với nội dung thực hiện của phong trào, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện…”.

Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa và Khu dân cư văn hóa gồm 4 chương, trong đó, quan trọng nhất là các điều khoản về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình xét tặng danh hiệu đã có sự điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn; các danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa” được “quy về một mối” là Khu dân cư văn hóa... Qua hai lần hội thảo lấy ý kiến góp ý, dù còn sự băn khoăn nhất định về tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu nhưng nhìn chung, tất cả đều đánh giá văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng, sát thực tế.

Tuy vậy, ngay cả khi dự thảo Nghị định còn chưa hoàn thiện và chưa được trình Chính phủ, điều được quan tâm hơn cả lại là cách thức triển khai thực hiện những điều (sẽ) được nêu trong nghị định.

Vấn đề đặt ra là, xuất phát từ thực tế lâu nay, sự hạn chế trong công tác xét tặng danh hiệu văn hóa liên quan tới chất lượng, trách nhiệm, cách thức thực hiện phần việc này ở cơ sở chứ không hẳn là quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn đã phù hợp hay chưa. Một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới được đưa ra hồi năm ngoái cho hay, chưa đến 1/3 số người được hỏi nói rằng họ biết rõ về tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa, hơn một nửa “chỉ nghe nói” và hơn 15% “không biết gì”.

Dù số liệu mang tính chỉ báo, liên quan trực tiếp đến các hộ gia đình, nhưng gián tiếp thể hiện trách nhiệm của chính quyền cơ sở - nơi nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, giá trị và tổ chức cho người dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Bởi vậy, với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và xét tặng danh hiệu văn hóa nói riêng, giải pháp nâng cao chất lượng không có gì quan trọng hơn là khắc phục “bệnh hời hợt”, “bệnh thành tích”, chạy theo danh hão. “Bệnh” phát ở đâu thì chữa ở đó, trước khi nghĩ đến những yếu tố khác như kinh phí triển khai hay cụ thể hóa tiêu chí cho phù hợp với từng địa phương…

Đừng chạy theo danh hão! 

Dục Tú