Hồ muối lúc nào cũng hồng rực ở Australia
Du lịch - Ngày đăng : 15:49, 08/04/2018
Nằm sát bờ biển phía bắc cửa sông Hutt ở miền Tây Australia là hồ Hutt nổi tiếng. Nước ở trong hồ lúc nào cũng hồng rực, đôi khi chuyển sang màu đỏ.
Hồ nước mặn này có chiều dài lên tới 14 km, rộng 2 km và nằm tách biệt khỏi Ấn Độ Dương nhờ một hệ thống gờ đất và đụn cát có tác dụng như một tầng rào chắn. Hutt Lagoon nhận nước biển chảy qua gờ đất, nhưng tỷ lệ bốc hơi cao dẫn đến cánh đồng này có độ mặn rất lớn trong suốt cả năm. Vào mùa hè, đến 95% bề mặt cánh đồng được phủ bởi một lớp muối khô.
Hồ Hutt nhìn từ trên cao. Nguồn: Youtube.
Theo Amusingplanet, hai loại tảo sản sinh ra sắc tố màu đỏ cam có tên Beta-Carotene, đã làm nên màu đỏ hồng độc nhất vô nhị cho Hutt Lagoon. Đây là sắc tố được sử dụng trong các ngành thương mại để làm chất nhuộm màu thực phẩm và thuốc men. Hồ Hutt chính là hệ thống canh tác tảo lớn nhất thế giới được dùng để thu hoạch sắc tố này.
Hiện nay, khoảng 450 hecta trong số 2.500 hecta của Hutt Lagoon được sử dụng để nuôi trồng tảo nhằm chiết xuất Beta-Carotene. Tảo này vừa đóng vai trò như một chất nhuộm màu tự nhiên, vừa là nguồn cung cấp Vitamin A dồi dào trong ngành thực phẩm. Trong tự nhiên, chất này cũng được tìm thấy ở nhiều loại hoa quả, rau và các loại gạo nguyên hạt.
Nhiếp ảnh gia Anh Steve Back đã ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp về hồ trong một chuyến bay đi ngang qua Hutt Lagoon. Vốn là một nhiếp ảnh gia kiến trúc, cảm hứng về chụp tảo biển của ông được khơi gợi tình cờ trong lần công tác qua khu vực này.
Khi đó, ông đang ngồi trên chiếc máy bay tư nhân đi về hướng tây nam để tìm kiếm các hòn đảo ngoài khơi. Khi bay ngang qua hồ muối Hutt Lagoon, ông thực sự kinh ngạc bởi vẻ đẹp và kết cấu của kiệt tác thiên nhiên này.
Hồ Hutt là điểm đến ưa thích của nhiều du khách khi tới Australia. Ảnh: Amusing. |
"Ở dưới đất, màu hồng của cánh đồng không quá nổi bật và không mấy ấn tượng; nhưng tôi không thể diễn tả được vẻ đẹp của chúng nếu được ngắm nhìn từ trên cao", Back nói.