Bài 1: Nỗi buồn xuống cấp

Văn hóa - Ngày đăng : 09:51, 09/04/2018

(HNMO) - Với gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, Hà Nội đang phải đối mặt với việc nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau.


Bề dày di sản

Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội, thành phố hiện có gần 6.000 di tích, với nhiều loại hình như: Đình, đền, chùa, miếu, am, phú, quán, hội quán, nhà thời họ, thành quách, phố cổ, làng nghề… Trong đó, có 1 di sản văn hóa thế giới, 12 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng.

Hà Nội có gần 6.000 di tích, trong đó có 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng.


Hệ thống di tích của Hà Nội phân bố rải rác khắp 30 quận, huyện và thị xã. Theo danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa mà Sở VH-TT Hà Nội công bố ngày 1-12-2016, những địa phương có nhiều di tích chủ yếu tập trung ở các huyện: Thường Tín (440 di tích), Ứng Hòa (433 di tích), Ba Vì (394 di tích), Chương Mỹ (374 di tích), Phú Xuyên (345 di tích), Sóc Sơn (341 di tích), Gia Lâm (317 di tích)…

Các quận nội thành có số lượng di tích ít hơn, tập trung phân bố dày ở các quận: Đống Đa (76 di tích), Thanh Xuân (29 di tích), Ba Đình (47 di tích), Cầu Giấy (49 di tích), Hai Bà Trưng (51 di tích), Hoàn Kiếm (66 di tích)…

Theo đánh giá của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/8 tổng số di sản của cả nước, chiếm 1/3 tổng số các di sản đã được xếp hạng di sản quốc gia… Những con số đó chứng minh rõ ràng Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa di sản văn hóa của cả nước.

Không chỉ có số lượng di tích nhiều mà hệ thống di tích của Hà Nội còn có bề dày về lịch sử, văn hóa, chứa đựng nhiều giá trị đặc biệt tồn tại hàng trăm năm nay, thậm chí lên đến ngàn năm tuổi. Nhiều di tích không chỉ là niềm tự hào của người Hà Nội mà còn trở thành biểu tượng về văn hóa của Việt Nam, trong đó phải kể đến Hoàng thành Thăng Long (Di sản Thế giới), thành Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), 82 bia đá ghi danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Di sản Tư liệu Thế giới), hay mới đây, quần thể chùa Hương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt…

Văn Miếu - Quốc Tử Giám - biểu tượng văn hóa của Hà Nội.


Với hệ thống di tích dày đặc, Hà Nội đang sở hữu một “tài sản vô giá” về văn hóa. Mỗi di tích đều hàm chứa tinh hoa văn hóa riêng, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn... Trong đó, có những câu chuyện về các bậc hiền nhân, danh nhân văn hóa, các nhân vật lịch sử anh hùng dân tộc được lưu truyền sinh động và trở thành nền tảng tri thức của người Việt… Các di tích cũng mở ra cho Hà Nội cơ hội phát triển nhiều tiềm năng kinh tế, trong đó có tiềm năng du lịch, dịch vụ.

Nhiều di tích “kêu cứu”

Theo Sở VH-TT Hà Nội, trong số gần 6.000 di tích thì có hơn 2.000 di tích xuống cấp các hạng mục chính và hơn 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Theo phòng văn hóa huyện Thường Tín (Hà Nội), huyện có 445 di tích lịch sử, văn hóa, đa số các di tích đã bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó 16 di tích xuống cấp nghiêm trọng như: Khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê), đền - bến Chương Dương (xã Chương Dương), chùa Pháp Vân (xã Văn Bình)... Huyện Mê Linh cũng có 161 di tích nhưng cũng trong tinh trạng nhiều di tích chờ để trùng tu do xuống cấp.

Tại nhiều địa phương khác, việc di tích xuống cấp đã trở thành phổ biến, trong đó nhiều di tích đã được báo chí phản ánh quyết liệt thời gian qua, như đình Thần Quy (huyện Phú Xuyên) có “tuổi thọ” nghìn năm tuổi đã bị xuống cấp từ 10 năm nay; đình La Phù (Thường Tín) có từ thời nhà Mạc, được công nhận là di tích cấp quốc gia, cũng trong tình trạng xập xệ…

Theo Sở VH-TT Hà Nội, việc các di tích xuống cấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Phần lớn các di tích xuống cấp do ảnh hưởng của thời gian, thời tiết, thiên tai…, trong khi việc tu bổ, tôn tạo lại không thể thường xuyên. Đa phần các di tích được làm từ gỗ nên thường gặp phải vấn đề về mối, mọt.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa những năm gần đây có phần lấn át cảnh quan, ảnh hưởng phần nào đến không gian và môi trường di tích trong khu vực nội đô và khu vực đông dân cư. Việc sử dụng di tích không đúng chức năng, mục đích ở một số địa phương đã gây tình trạng xập xệ, hư hỏng, xuống cấp cho di tích.

Một nguyên nhân khác là sự thiếu hiểu biết khi thực hiện trùng tu, tôn tạo hay việc không tuân thủ đúng luật Di sản càng khiến di tích bị biến dạng, méo mó…

Những năm gần đây, Hà Nội rất quan tâm đến việc bảo tồn, trung tu, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích, lịch sử, văn hóa. Việc sở hữu hơn 6.000 di tích vừa là lợi thế của các địa phương trong việc quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch nhưng cũng là "gánh nặng" cho chính quyền và nhân dân trong việc giữ gìn, bảo tồn các di tích.

(Còn nữa)

Hoàng Lân