Hàng Việt phải cạnh tranh bằng chất lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 09/04/2018
Mua túi xách doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG |
Kết quả cuộc khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao 2018 vừa qua thể hiện thực trạng đáng lo ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. So với kết quả khảo sát năm 2017, tỷ lệ người tiêu dùng ưa thích sản phẩm trong nước chỉ còn 60% (giảm 18%) và tỷ lệ người thường mua dùng là 70% (giảm 22%). Trong khi đó, sản phẩm có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc dần nổi lên trong sự lựa chọn của người tiêu dùng. Số người được khảo sát ưa thích hàng hoá của ba quốc gia này cũng nhiều hơn số người mua. Nghĩa là, nếu có điều kiện tiếp cận thì tỷ lệ người mua dùng sản phẩm có xuất xứ từ các nước này sẽ tăng lên.
Cũng theo kết quả khảo sát, vấn đề thực phẩm sạch và an toàn hiện là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng. Từ 71% đến 87% người tham gia khảo sát cho biết, dựa trên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm để quyết định mua hàng. Tương tự, khảo sát về top 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng Việt do Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện cũng cho thấy, hai yếu tố chọn mua sản phẩm có lợi cho sức khỏe hay chọn mua sản phẩm hữu cơ, tự nhiên được ưu tiên ở mức cao nhất.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và thực hiện Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, thông qua đó thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ sản xuất đến tiêu dùng. Theo bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thuộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 94 trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc địa bàn và các tỉnh lân cận được cấp 183 giấy chứng nhận thực phẩm an toàn, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất chuỗi của các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ và thêm hành trang cho doanh nghiệp Việt từng bước mở cửa thị trường thương mại tự do và hội nhập quốc tế, từ năm 2017, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã triển khai bộ Tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập (GIS) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nâng cấp chuỗi thực phẩm từ chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị...
GIS được đánh giá là công cụ cần thiết cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường xuất khẩu bằng tiêu chuẩn chất lượng trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia tăng cường rào cản kỹ thuật, bảo hộ mậu dịch thương mại. Đến nay, mới chứng nhận GIS cho 66 doanh nghiệp - một con số còn nhỏ so với lượng doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao hằng năm.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, sở dĩ số lượng doanh nghiệp đạt GIS còn ít vì để cấp chứng nhận GIS cho doanh nghiệp, quy trình khắt khe không kém các tiêu chuẩn quốc tế nên đòi hỏi nhiều thời gian, từ đánh giá hồ sơ đến đến kiểm tra hiện trường và hậu kiểm… Hội vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đáp ứng bộ tiêu chí này để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới và ngay trong nội địa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự cạnh tranh bằng tiêu chuẩn toàn cầu đang hiển hiện rõ hơn bao giờ hết trong thị trường nội địa. Song phần lớn các nhà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về an toàn thực phẩm trên thị trường thương mại tự do và hội nhập quốc tế. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được năng lực dựa trên tiếp cận rủi ro và kết quả thực hiện đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Mặt khác, còn nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam chưa quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc tế. “Những sản phẩm ngoại nhập cùng chủng loại, cùng phân khúc nhưng tiêu chuẩn quốc tế đã đặt ra vấn đề mới buộc doanh nghiệp Việt Nam phải có sự thay đổi, buộc phải xây dựng tiêu chuẩn mới thì mới có chỗ đứng bền vững ở cả trong và ngoài nước”, bà Vũ Kim Hạnh nói.