Minh bạch trong quản lý

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 10/04/2018

(HNM) - Hà Nội là địa phương có lượng khoáng sản khá dồi dào, nhất là các loại vật liệu xây dựng. Nhưng những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn còn nhiều tồn tại, bất cập.


Hậu quả của việc khai thác khoáng sản tràn lan là rất rõ, không chỉ làm thất thoát tài nguyên, vi phạm pháp luật về khoáng sản, mà còn tạo ra nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới dòng chảy và hệ thống đê kè cũng như gây ô nhiễm môi trường, làm mất an toàn, an ninh, trật tự... Đáng lưu ý, việc thực hiện các biện pháp giảm tác động tới môi trường của hầu hết các đơn vị khai thác còn rất hạn chế; vấn đề an toàn vệ sinh lao động tại các khu khai thác đá cũng không được quan tâm, thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết. Trong khi đó, công tác quản lý khoáng sản, đất đai tại một số địa phương bị buông lỏng kéo dài, đặc biệt việc xử lý còn thiếu kiên quyết, chưa triệt để.

Nguyên nhân là công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản còn thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả. Các hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát trái phép, rất khó quản lý đối tượng và phương tiện. Sự phối hợp giữa các địa phương, nhất là khu vực giáp ranh và các ngành chức năng không được thường xuyên, liên tục. Và đó cũng chính là những việc cần phải khắc phục một cách kiên quyết hơn trong thời gian tới.

Được biết, đến nay toàn thành phố đã khoanh định được 86 mỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; khoanh vùng cấm hoạt động khoáng sản tại 25 khu vực. Đây là nỗ lực lớn của Hà Nội trong việc hướng đến sự minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản, có sự giám sát của cộng đồng. Ngoài ra, thành phố cũng gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý địa bàn, chuyển xử lý hình sự những vụ việc nổi cộm… Tuy nhiên, trong quản lý khai thác khoáng sản, nỗ lực của địa phương là chưa đủ, đòi hỏi cả chiến lược ở tầm quốc gia.

Thực tế công tác quản lý khai thác khoáng sản ở Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Hiện nay, các quy định pháp luật Việt Nam về lĩnh vực khoáng sản khá đầy đủ nhưng được cho là còn chồng chéo khi thực thi. Bởi công tác quản lý tuân thủ theo Luật Khoáng sản 2010 nhưng vẫn còn phân tán. Chẳng hạn, việc quản lý tài nguyên khoáng sản do Bộ Tài nguyên - Môi trường thực hiện, việc khai thác liên quan đến công nghiệp lại thuộc chức trách của Bộ Công Thương. Một số lĩnh vực khác còn có sự tham gia của Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT. Chính vì sự giao thoa, chưa có tổ chức thống nhất đủ thẩm quyền điều phối các bên liên quan, dẫn đến khi có vấn đề phát sinh không rõ trách nhiệm thuộc ngành nào.

Đặc biệt, cần minh bạch trong chia sẻ lợi ích từ khoáng sản, rõ ràng khoản nào sử dụng cho khôi phục môi trường, phần nào để động viên người dân, phần nào cho doanh nghiệp và phần nào nộp thuế cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Chưa có quy định trong việc mua bán khoáng sản, người mua phải giải trình được khoáng sản mua ở mỏ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nếu không thì phải tịch thu. Quy định này nhằm để ngăn chặn doanh nghiệp bán chui khoáng sản, gây thất thoát tài nguyên quốc gia.

Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần phải xây dựng lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên khoáng sản. Coi tài nguyên nói chung và khoáng sản nói riêng là nguồn lực ngày càng khan hiếm cần phải được thị trường hóa và coi bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả, tính bền vững của các hoạt động kinh tế để có thể hoạch toán toàn diện, đầy đủ.

Đan Nhiễm