"Đánh thức" nghiên cứu "ngủ trong ngăn kéo"
Công nghệ - Ngày đăng : 07:29, 10/04/2018
Thừa nhận tình trạng "bỏ ngăn kéo" là vấn đề khiến người trong ngành trăn trở, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được "đánh thức" đúng lúc, tạo nên những thành tựu trong thực tiễn.
Từ nghiên cứu “bỏ ngăn kéo”…
Một đề tài hay một công nghệ có thể phát huy hiệu quả trong đời sống hay không phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có ba yếu tố quan trọng: Nhu cầu của thị trường; năng lực tiếp thu của doanh nghiệp và khả năng sáng tạo của các nhà khoa học. Ông Nguyễn Thiện Thành, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước chia sẻ: Nghiên cứu khoa học và công nghệ có tính đặc thù là hiệu quả luôn có độ trễ. Kết quả nghiên cứu dù có tốt, có hay đến mấy nhưng khi chưa hội tụ được ít nhất ba yếu tố kể trên thì vẫn tạm thời “nằm im” hoặc không phát huy được hiệu quả. Thời gian để hội tụ được các yếu tố này có thể là 1 năm, 5 năm, thậm chí lâu hơn. Chưa kể, khoảng thời gian cần thiết để các nhà khoa học có được một kết quả nghiên cứu đạt đến “độ chín” cũng có thể mất từ 3 đến 5 năm nữa. Điều này dễ dẫn đến ý hiểu là kết quả bị “xếp vào ngăn kéo”.
Việt Nam là nước thứ tư trên thế giới sản xuất thành công vắc xin Rotavin - M1 phòng bệnh tiêu chảy. Ảnh: Thái Hiền |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Thành, nói như vậy không phải là để biện minh cho những gì được cho là thiếu hiệu quả, và đây cũng chưa phải là tình trạng phổ biến, đặc biệt là trong bối cảnh cơ chế quản lý từ khâu đặt hàng đến nghiệm thu của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã có nhiều đổi mới trong thời gian gần đây.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân từng trả lời chất vấn tại Quốc hội, cho biết: Đề tài “bỏ ngăn kéo” có ba loại, trong đó một loại xấu là nghiên cứu không vì cuộc sống, nghiên cứu “cắt dán”, sao chép hoặc gian dối. Có hai loại mang tính tất yếu và không phải là xấu, đó là nghiên cứu cơ bản phải đi trước, làm tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu ứng dụng nhưng phải chờ cơ hội đầu tư để được thương mại hóa. Loại thứ 2 có thời gian nằm chờ ngắn hạn hơn là những nghiên cứu ứng dụng đang chờ cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư. Nhà khoa học có thể nghiên cứu rất thành công, nhưng nếu không có người đầu tư thì kết quả chỉ dừng ở phòng thí nghiệm...
“Khó tránh tình trạng lợi dụng việc nọ việc kia để đề xuất đề tài vì lợi ích cá nhân. Vấn đề là phải hạn chế điều này, và nếu phát hiện ra thì phải xử lý nghiêm để tránh tái diễn...”, ông Nguyễn Thiện Thành nhấn mạnh.
... đến những thành tựu mang tính dẫn đầu
Gần đây, báo chí nói nhiều đến công trình nghiên cứu cây thuốc Trinh nữ hoàng cung của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm và Công ty Thiên Dược với kết quả là sản phẩm viên nang Crila chữa u xơ tử cung và tiền liệt tuyến được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) cấp phép đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường của nước này, được trao tặng “Biểu tượng vàng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Doanh thu của sản phẩm trong năm 2016 và 2017 lên đến gần 100 tỷ đồng.
Không nhiều người biết rằng việc đầu tư nghiên cứu này đã bắt đầu từ năm 1999. Trải qua 17 năm, thông qua 7 nhiệm vụ KH-CN, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm mới phát triển được viên nang Crila và vùng nguyên liệu để sản xuất ra nó. Như vậy, có thể thấy độ trễ từ kết quả đề tài khoa học đầu tiên đến khi có sản phẩm là khoảng 15 năm. Thậm chí, năm 2010, sau khi kết thúc 5 nhiệm vụ KH-CN, đã có nhiều ý kiến cho rằng kết quả nghiên cứu này thuộc diện “đưa vào ngăn kéo”.
Một ví dụ khác: Vào năm 2013, lần đầu tiên vắc xin Rotavin - M1 phòng bệnh tiêu chảy được đưa ra thị trường. Đây là loại vắc xin đầu tiên tại nước ta được nghiên cứu và sản xuất thành công từ chủng vi rút của người Việt Nam, phù hợp với người Việt. Thành công này đánh dấu bước ngoặt trong ngành Vắc xin học. Việt Nam là nước thứ hai của Châu Á, là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được loại vắc xin này. Để có được kết quả đó, các nhà khoa học đã trải qua 16 năm nghiên cứu (bắt đầu từ năm 1998). Vào năm 2008 (sau khi kết thúc 3 đề tài), hiệu quả nghiên cứu gần như bằng không và kết quả thu được từ đề tài nghiên cứu đầu tiên vẫn được coi là “bỏ ngăn kéo”.
Việc ghép tạng được các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu nghiên cứu từ năm 1991. Năm 1992, thông qua nhiệm vụ KH-CN, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tốt đẹp. Tuy nhiên, mãi đến những năm 2000, kỹ thuật này mới được phát triển thành công trong 12 bệnh viện. Đến nay, 18 bệnh viện trong cả nước đã ứng dụng thành công kỹ thuật này.
Kế tiếp thành công của kỹ thuật ghép thận, ngành KH-CN tiếp tục hướng tới các kỹ thuật cao hơn: Ghép gan thành công vào năm 2004, ghép tim thành công vào năm 2010, ghép thận từ người cho chết não thành công vào năm 2010, ghép khối tụy và thận từ người cho chết não thành công vào 2014. Đặc biệt, năm 2017, từ một nhiệm vụ KH-CN, lần đầu tiên tại Việt Nam có ca ghép phổi từ người cho sống được thực hiện thành công... Những kết quả nói trên đã chấm dứt giai đoạn tụt hậu về trình độ ghép tạng của các nhà khoa học Việt Nam so với thế giới.
Thành tựu KH-CN cần có thời gian để ứng dụng vào thực tiễn. Việc hiểu rõ tính đặc thù giúp chúng ta xác định thái độ kiên nhẫn, kiên trì đầu tư để có được kết quả nghiên cứu có ích cho đời sống. Tất nhiên, bên cạnh đó, cần duy trì thái độ kiên quyết “nói không” với những đề tài được "vẽ" ra để trục lợi.