Quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây: Còn nhiều việc phải làm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 10/04/2018

(HNM) - Để đạt mục tiêu đến hết năm 2018: 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành được cấp biển nhận diện, Sở Công Thương Hà Nội và các đơn vị liên quan còn rất nhiều việc phải làm.


Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết tháng 3-2018, trên địa bàn 12 quận nội thành có tổng số 941 cửa hàng kinh doanh trái cây. Trong đó, có 817 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 657 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng; 625 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc; 715 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm… Sau 6 tháng triển khai, đã có 520/941 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng các yêu cầu của đề án, được các quận cấp biển nhận diện.

Ảnh minh họa: Internet


Ông Bùi Thế Dũng, Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng trái cây "Luôn tươi sạch" (cửa hàng "Luôn tươi sạch" tại 72 Trần Thái Tông là một trong những cửa hàng đầu tiên được Sở Công Thương Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy gắn biển nhận diện) cho biết: Đề án thí điểm nói trên không chỉ mang lại hiệu quả đối với người tiêu dùng, mà còn góp phần giúp hệ thống cửa hàng đạt doanh thu tăng cao hơn so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện…

Thường xuyên mua trái cây tại cửa hàng "Luôn tươi sạch", chị Nguyễn Diệu Trang (phố Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Cửa hàng đã được ngành chức năng gắn biển nhận diện, tôi lại càng yên tâm về chất lượng an toàn thực phẩm...".

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Công San, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trong quá trình triển khai đề án, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn. Bởi, một số hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc trái cây, dẫn đến các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không có giấy tờ về nguồn gốc. Chia sẻ thêm những khó khăn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, không ít cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn chưa ý thức việc được cấp logo góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu của mình, nên có cửa hàng dù đạt tiêu chuẩn cấp logo, song lại từ chối. Trong khi đó, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ mong muốn được cấp logo, nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng quy định...

Để đạt mục tiêu đến hết năm nay, 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành được cấp biển nhận diện, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các quận đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện được logo cửa hàng trái cây an toàn như một thương hiệu. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây và giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trái cây tại các chợ đầu mối, cơ sở chuyên doanh; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai quy trình xác thực “chống hàng giả” để quản lý, truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh tại Hà Nội… Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công mức độ 3-4 đối với cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn.

Được biết, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm, giải tỏa các trường hợp kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng. Về phía UBND các quận cũng cần rà soát lại quỹ đất còn trống, nhất là tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định.

Thanh Hiền